Doanh nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng

Đó là một trong những quyền lợi khi doanh nghiệp tham gia chương trình "Thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả". Chương trình do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/12, tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đỗ Đức Quân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, thông qua chương trình các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng cường năng lực hoạt động, giảm thiểu năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. 

Các doanh nghiệp tham gia ký kết chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Ảnh: Ng.Tuấn.

Ông Đỗ Đức Quân cho biết, 7 đơn vị tham gia lễ ký kết thỏa thuận là những doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm.

Nằm trong khuôn khổ dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” do Ngân hàng thế giới (Word Bank) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, khi tham gia chương trình này, các doanh nghiệp cam kết thực hiện các mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất dựa trên sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình nếu thực hiện tốt các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận, tặng cúp và được quảng bá thương hiệu thông qua các sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức.

Ngoài ra, khi tham gia chương trình doanh nghiệp còn được đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng lần đầu.

Đại diện của Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm quốc gia...đều có thể tham gia chương trình.

Chương trình được thỏa thuận tự nguyện có thời hạn 10 năm, sau giai đoạn thí điểm (2 năm) Bộ Công Thương sẽ đánh giá khả năng thực thi và chỉnh sửa các nội dung của các thỏa thuận trước khi quyết định mở rộng quy mô chương trình.