Theo tính toán của một số người dùng, một bóng đèn chiếu sáng công suất 100W sử dụng nguồn điện lưới tiêu tốn chi phí 700.000-800.000 đồng/năm trong khi giá đèn sử dụng NLMT có cùng công suất chỉ khoảng 500.000-700.000 đồng (đã bao gồm pin NLMT, bộ phận lưu trữ điện, bóng đèn).
Đèn NLMT có lợi thế là linh động, có thể lắp ở vườn, đường, tường, có thể cầm tay, không cần bật tắt và không cần phải lắp dây. Loại đèn này cũng được quảng cáo có tuổi thọ từ vài năm đến vài chục năm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những ưu điểm này chỉ đúng với những loại đèn NLMT có nguồn gốc rõ ràng, có thương hiệu tên tuổi. Những sản phẩm này giá bình quân từ 1-2 triệu đồng/thiết bị, tùy công suất và nhà sản xuất. Trong khi đó, trên thị trường, có rất nhiều sản phẩm nhập lậu, giá rẻ và chất lượng không được thẩm định.
“Loạn” nhất là các tấm quang điện NLMT, có nơi bán giá 15.000 đồng, có nơi bán giá 490.000 đồng/sản phẩm, thậm chí có nơi chỉ bán giá 6.200 đồng/sản phẩm nhưng người bán cho biết có công suất lên đến 450W, tuổi thọ 30-50 năm.
Thực tế, có những trường hợp mua về, chỉ xài được vài ngày, công suất nhỏ hơn rất nhiều so với thông tin ghi trên sản phẩm, thời gian chiếu sáng chỉ 4-5 giờ chứ không phải 10-12 giờ, độ sáng yếu.
Các loại đèn này được bày bán nhiều trên đường Nhật Tảo, Q.10, TP.HCM, hầu hết là hàng Trung Quốc, giá khá rẻ. Tại đây, đèn NLMT cầm tay JD Jindian Solar Light có gắn tấm pin mặt trời giá chỉ 260.000 đồng/cái. Theo những người bán hàng, chỉ cần lắp đèn ở điểm có nắng từ 5-6 giờ là đèn tích đủ điện để chiếu sáng trong vòng 10-12 giờ. Một số loại đèn khác có giá cao hơn, bình quân 700.000-1,5 triệu đồng/cái, tùy theo công suất.
Trên thị trường đầy rẫy các loại đèn năng lượng mặt trời không rõ chất lượng
|
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai - giảng viên Trường đại học Bách Khoa TP.HCM - cho biết, các tấm quang điện NLMT quyết định giá các sản phẩm dùng NLMT. Cần thận trọng khi mua những sản phẩm giá rẻ, những bộ sản phẩm tự lắp ráp vì khả năng tiết kiệm năng lượng không cao do sử dụng các tấm pin nhập khẩu trôi nổi từ Trung Quốc. Những tấm pin này thường không đạt tiêu chuẩn, còn những bộ sản phẩm tự lắp ráp tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Theo một cán bộ tại Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, thành phần chính của tấm pin NLMT là các tế bào quang điện. Không ít nhà sản xuất sử dụng những tế bào quang điện kém chất lượng để sản xuất các tấm pin nhằm tiết kiệm chi phí. Những tế bào quang điện kém chất lượng sẽ có những đường nứt gãy, sau một thời gian sử dụng, dưới sức nóng của mặt trời, các vết nứt này sẽ rộng ra, tế bào bị đứt mạch, giảm hiệu suất hoặc hư cả tấm pin.
Chất lượng của tấm pin NLMT còn thể hiện ở công suất. Không có chuyện giá tấm pin chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mà có thể cho ra công suất 450W như quảng cáo. Nếu tấm pin dài 1,2m, sử dụng tế bào quang điện loại A thì cho ra 160-170W điện, còn dùng tế bào quang điện loại thải thì cho ra khoảng 100-110W điện. Một tấm pin cho ra công suất 160W hiện có giá từ 2 triệu đồng trở lên.
“Việc dùng các tấm pin giá rẻ không giúp tiết kiệm điện mà còn gây hại đến môi trường. Những sản phẩm giá rẻ này thực chất là rác thải nguy hại từ các nước khác tuồn về Việt Nam” - vị này nói.
Link gốc