Mức thu cao nhất: 7,5 triệu đồng/ha/năm
Dự thảo thông tư về thu phí mặt biển quy định 5 nhóm chịu phí sử dụng mặt biển, gồm: Khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu để xây dựng hệ thống ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện; xây dựng các công trình nổi, ngầm, đảo nhân tạo, công trình xây dựng dân dụng trên biển, các hoạt động lấn biển; xây dựng vùng nước cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí, luồng dẫn vào vùng nước cảng, vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển, xây dựng cảng cá, bến cá, vùng nước phục vụ hoạt động vui chơi, khu neo đậu tàu thuyền du lịch, đón trả khách; các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác nước biển làm mát cho các nhà máy, trục vớt hiện vật, khảo cổ… và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác.
Tương ứng với 5 nhóm đối tượng trên, dự thảo đề ra 5 mức thu phí, dao động từ 3-7,5 triệu đồng/ha/năm.
Góp ý cho dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất: “Nhiều địa phương ven biển kinh tế chưa phát triển nên cần tập trung vào mục tiêu thu hút đầu tư. Do đó, với những khu vực này, việc miễn tiền sử dụng khu vực biển sẽ có tác dụng tốt hơn nên cơ quan soạn thảo chỉ cần quy định mức trần, mức sàn coi như bằng 0 và giao thẩm quyền cho từng địa phương quyết định mức thu”.
Theo VCCI, dự thảo quy định đối với hình thức trả tiền hằng năm thì mức thu nên ổn định theo chu kỳ 5 năm. Hết chu kỳ này, cơ quan chức năng có thể điều chỉnh mức thu tiền sử dụng biển phù hợp với điều kiện mới. Để tránh tình trạng DN không dự kiến được số tiền phải nộp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xác định việc tăng tiền sử dụng khu vực biển sau khi hết chu kỳ 5 năm hoặc khi gia hạn sử dụng không được vượt quá một tỉ lệ nhất định so với trước đó.
Việc dùng nước biển làm mát thiết bị sắp tới có thể bị thu phí
|
Tránh cản trở động lực phát triển
Đại diện Khu Du lịch Biển Đông (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến không đồng ý với việc phải nộp tiền sử dụng biển bởi DN du lịch hiện phải đóng tiền thuê đất hằng năm tăng từ 3-10 lần so với trước. “Do bãi tắm ở Vũng Tàu gắn liền với khu dân cư nên có nhiều đối tượng cùng sử dụng là khách du lịch, khách lưu trú tại các khách sạn và dân địa phương. Do vậy, bãi biển là của công chúng, chứ không thuộc quyền sử dụng của riêng DN” - đại diện Khu Du lịch Biển Đông nêu thực tế.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản thì đề nghị không thu tiền khi sử dụng khu vực biển với mục đích xuất nhập khẩu than nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Mặt khác, các loại thuế, phí tính trên than hiện đã rất cao.
Các DN ngành cơ khí cho rằng việc thu phí sử dụng trong các lĩnh vực năng lượng gió, sóng, thủy triều trên mặt biển sẽ đi ngược chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ. Theo VCCI, việc sử dụng các khu vực biển vào các mục đích phục vụ kinh tế, dân sinh đang được Đảng và nhà nước khuyến khích. Vì vậy nên cân nhắc việc thu phí trong lĩnh vực này.
Nhiều lĩnh vực bị thu phí vô lý
Các DN viễn thông cho rằng việc sử dụng biển cho mục đích đặt ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện có đặc điểm là chỉ sử dụng diện tích rất nhỏ ở đáy biển. Các ống dẫn này không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt biển cho các lĩnh vực khác như du lịch, cảng biển, khai thác nước biển... Thậm chí, nhiều tuyến cáp khác nhau có thể chạy song song hoặc cắt nhau cũng không ảnh hưởng lẫn nhau. Bên cạnh đó, nhiều nước không thu khoản tiền này đối với cáp biển. Do đó, nếu vẫn thu phí thì cần đưa ra cách tính riêng cho phù hợp thực tế.
Theo các DN thăm dò khoáng sản, hoạt động thăm dò thường triển khai trên diện tích rộng với nhiều mũi khoan thăm dò cách nhau một khoảng lớn. Vì vậy, nếu thu phí sử dụng khu vực biển đối với dự án thăm dò khoáng sản thì chi phí này sẽ rất lớn, trong khi DN chỉ sử dụng rất ít trên toàn bộ diện tích thăm dò.
Việc khai thác nước biển để làm mát cho các nhà máy hầu như không ảnh hưởng đến diện tích mặt biển. Trong trường hợp này, đơn vị sử dụng nước biển với tư cách tài nguyên nước, chứ không phải với khai thác bề mặt nước. Do đó, cần đánh thuế tài nguyên nước chứ không thu phí sử dụng khu vực biển...
|