Giải thưởng truyền thông về tiết kiệm năng lượng năm 2012

Hơn 1.000 tác phẩm dự thi, hơn 100 tác phẩm được trao “Giải thưởng truyền thông về tiết kiệm năng lượng”. Ðó là những con số hết sức ấn tượng mà Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCM) thu được trong 5 năm phát động cuộc thi dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương.

Ghi nhận và tôn vinh

Từ năm 2007, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM đã phát động và tổ chức Giải thưởng truyền thông về TKNL (dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương). Riêng trong năm 2011, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 bài dự thi với 3 thể loại: Báo viết, báo hình và báo nói của gần 100 tác giả. Kết quả, có 22 tác phẩm xuất sắc được chọn để trao giải, trong đó có 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 5 giải Ba và 11 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã trao 2 giải Cống hiến dành cho các nhà báo có nhiều đóng góp tích cực cho cuộc thi suốt 5 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng trao giải cho các tác giả đoạt giải nhất. Ảnh: Ngọc Tuấn

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hồ Chí Minh, Trưởng Ban giám khảo Giải thưởng truyền thông quốc gia về TKNL cho biết, qua 5 năm tổ chức, Giải thưởng ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên báo đài khắp cả nước. Năm 2011, các tác phẩm dự thi có nội dung đa dạng, phong phú và được đầu tư kỹ hơn. Các bài viết đều có tính sáng tạo, các chủ đề đã bám sát thực tiễn nên  không còn khô khan, các chuyên đề, phóng sự cũng trở nên gần gũi và đi sâu đi sát thực tế hơn. Các tác phẩm dự thi đã phản ánh được thực trạng của việc sản xuất và sử dụng điện, giới thiệu những sản phẩm, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm,…

“Tiết kiệm năng lượng” không còn xa lạ

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hoạt động của các chương trình, dự án TKNL đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụm từ “Tiết kiệm năng lượng” đã không còn xa lạ với mỗi người dân. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, cải tiến dây chuyền công nghệ giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đã ý thức và có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng điện tại công sở. Nhiều gia đình đã mua sắm các trang thiết bị TNKL, góp phần giảm chi phí. Những việc làm đó đã chung tay góp sức vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Có được thành công này phải kể đến sự đóng góp tích cực của các cơ quan truyền thông. Các phóng sự, bài viết, bản tin của các phóng viên báo đài đã bám sát các sự kiện, phản ánh trung thực khách quan, cả những mặt tích cực và những mặt hạn chế của các hoạt động TKNL. Điều đó đã góp phần không nhỏ chuyển biến nhận thức và thay đổi hành động của mỗi cá nhân, gia đình, các tổ chức và cộng đồng xã hội trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển bền vững. Điều này càng trở nên cấp bách, khi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không đảm bảo  an ninh năng lượng và sự biến đổi khí hậu. Mặt khác, trong số các giải pháp được quan tâm, sử dụng năng lượng tiết kiệm được xem là hiệu quả và ít tốn kém nhất. 


  • 29/05/2012 09:38
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý hội nhập
  • 1942


Gửi nhận xét