Khoảng cách ánh sáng và bóng tối
Với khoảng 350 hộ dân, ấp Mỹ Thạnh (cồn Phó Ba) là nơi duy nhất của TP. Long Xuyên hiện vẫn chưa có điện. Bà Trần Thị Kim Loan – Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên cho biết: “Do nền đất yếu, không thể kéo điện lưới quốc gia ra ấp. Để người dân có điện, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo thành phố đưa ra như sử dụng các nguồn điện phát từ gió, mặt trời hay sinh khối nhưng không giải pháp nào khả thi vì điện phát từ các nguồn năng lượng tái tạo thường phải đầu tư lớn, giá điện cao, kinh phí của địa phương không cho phép mà người dân cũng không có tiền để chi trả tiền điện”.
Hiện nay, người dân ấp Mỹ Thạnh sinh sống chủ yếu bằng cách chạy ghe chở khách hoặc vào thành phố làm thuê, cuộc sống còn gặp vô vàn khó khăn. Muốn có ánh sáng, người dân phải dùng dầu để thắp đèn. Một vài hộ có điều kiện hơn, sắm được bình ắc quy thì hàng ngày phải chạy ngược sang thành phố, sạc điện cho bình để dùng khoảng 3 tiếng buổi tối, thắp đèn thì thôi xem tivi hoặc xem tivi thì thôi thắp đèn. Chi phí cho mỗi lần sạc như vậy là 27.000 đồng. Vì lẽ đó, nhiều năm nay, cho dù chỉ cách thành phố có 20 phút di chuyển bằng ghe, nhưng khoảng cách của 20 phút đó được đo bằng khoảng cách của ánh sáng và bóng tối…
|
Ông Huỳnh Kim Tước - GĐ ECC HCM trao tặng đèn năng lượng mặt trời cho các hộ dân nghèo - Ảnh: ECC HCM. |
Trước thực tế đó, nhằm hỗ trợ cho người dân có ánh sáng để sinh hoạt, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCM) và Công ty CP năng lượng Mặt trời Đỏ thành phố đã phối hợp tặng 10 cây đèn năng lượng mặt trời (NLMT) cho 10 hộ dân nghèo của ấp Mỹ Thạnh. Chia sẻ về ý tưởng này, ông Huỳnh Kim Tước – GĐ ECC HCM cho biết: Đặc trưng của ấp Mỹ Thạnh là có nắng quanh năm, cường độ ánh sáng nhiều, hoàn toàn có thể ứng dụng để phát triển NLMT. Vì lẽ đó, Trung tâm quyết định tặng 10 bóng đèn cho người dân sử dụng thử nghiệm.
Ông Lâm Văn Quân – 71 tuổi – tổ 5 - ấp Mỹ Thạnh chia sẻ: “71 năm qua, ước mơ của tôi là có được một bóng đèn điện để không phải sống trong bóng tối, cho con cháu có ánh sáng để học tập tốt hơn. Giờ được tặng bóng đèn, tôi vui lắm. Chỉ mong doanh nghiệp mang nhiều bóng đèn hơn đến đây cho chúng tôi có thể mua thẳng hoặc mua trả góp để ai cũng được dùng điện”.
Mong ai cũng được dùng điện
Đèn chiếu sáng NLMT có hình dáng giống như một chiếc đèn măng sông, sử dụng bóng đèn led để chiếu sáng. Để sử dụng đèn, mỗi hộ dân được lắp một tấm pin thu NLMT trên mái nhà, từ đó, điện được sạc vào bóng đèn để chiếu sáng. Nếu trời nắng đều, bóng đèn có thể sáng được từ 2-3 ngày. Do sử dụng led để chiếu sáng, đèn NLMT rất an toàn cho sử dụng, có thể để cố định để thắp sáng trong nhà hoặc mang theo bên người khi muốn đi lại hoặc chạy ghe. Với chi phí lắp đặt khoảng 1.200.000 đồng/bộ đèn, bóng đèn có thể sử dụng được trong khoảng 2 năm.
|
Mỗi hộ sử dụng đèn được gắn 1 tấm pin năng lượng mặt trời - Ảnh: ECC HCM. |
Hiện nay, để giúp cho người dân có ánh sáng dùng cho sinh hoạt, UBND xã đang hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 10 lít dầu/tháng. Như vậy, với khoảng 210.000 đồng tiền dầu/tháng, mỗi năm, chi phí cho năng lượng điện của một hộ dân rơi vào khoảng 2.520.000 đồng. Mức phí này hoàn toàn có thể giúp cho mỗi hộ dân trang bị được 2 bộ đèn NLMT.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng: “Kể từ khi lập ấp đến nay, ước mơ của tất cả những người dân nơi đây là có điện để sinh hoạt. Cho nên, khi được tặng đèn NLMT như thế này, lãnh đạo xã và người dân rất phấn khởi và mong nhận được nhiều hơn những sự trợ giúp như thế”.
Trong căn nhà nhỏ lợp lá đơn sơ với vỏn vẹn có 1 chiếc giường, 1 chiếc tủ gỗ sơ sài, bé Lâm Thị Giàu đang ê a đọc bài dưới ánh đèn. “Con có thích bóng đèn mới không?” tôi hỏi - “Dạ, con thích” - “Có đèn sáng rồi, con thích làm gì?” - “Con thích có bóng đèn sáng để học bài. Học bằng đèn dầu, mỗi tối, con chỉ học được 30 phút thôi”. Tôi chợt thấy se lòng với ước mơ giản đơn của người dân từ già đến trẻ nơi đây.
Có lẽ, ước mơ có được ánh sáng với người dân nơi đây lớn lắm, để đến khi có đèn rồi, từ đầu ấp đến cuối ấp, ai ai cũng xôn xao - “Cái này bật tắt sao đây chú ơi? Cái này sáng suốt ngày hả, phí quá, có cách nào tắt bớt đi cho khỏi tốn điện không???”. Cứ thế, cứ thế, anh Trí - nhân viên kỹ thuật quay vòng với những câu hỏi không ngớt của người dân. Quay ra tôi, anh cười xòa, giải thích: “Từ sáng tới giờ đi lắp đèn, người dân đi quanh vui lắm. Ai cùng tò mò, ai cũng mừng".
Mới chỉ cách đây 1 tuần, đứng ở phía bên này sông nhìn sang ấp chỉ là một khoảng tối mênh mông bất tận. Sau 6 giờ tối, cả ấp sẽ chìm vào im lìm, lạc lõng hoàn toàn với nhịp sống sôi động chỉ cách đó một quãng sông. Rồi đây, khi có điện, người ta có thể hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp và đủ đầy hơn. Rồi đây, khi có điện, người ta bắt đầu mơ nhiều hơn về những tiện nghi như tivi, quạt máy… Sẽ mơ chứ, vì nghe đâu, sau lễ tặng đèn sử dụng thử nghiệm này, tỉnh An Giang dự kiến sẽ đầu tư đèn cho tất cả những hộ dân còn lại.
Ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ: Ứng dụng NLMT đã có nhiều nơi làm nhưng có lẽ điểm khác biệt lớn nhất ở đây là việc chọn chiếu sáng là cách giải quyết đầu tiên, vừa đáp ứng nhu cầu cơ bản, vừa phù hợp với kinh phí địa phương. Thứ hai, NLMT được sử dụng tại đây không phải là những thiết bị cồng kềnh, đắt tiền hay hiện đại mà là cách đơn giản nhất về công nghệ, thiết bị, phù hợp với thói quen và hiểu biết của người dân. Đây là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của ứng dụng NLMT.
Trước ấp Mỹ Thạnh, ECC HCM đã tặng đèn năng lượng mặt trời này cho người dân tại đảo Trường Sa, Lạng Sơn, Lai Châu… Thực tế cho thấy, sau 3-4 năm, bóng đèn vẫn sử dụng tốt.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục trao tặng thêm 10 bộ đèn nữa cho người dân ấp Mỹ Thạnh.
|