Trong một báo cáo công bố ngày 9/8, End Fuel Poverty Coalition (EFPC) - một tổ chức vận động chống đói nghèo do tác động của giá xăng dầu - ước tính rằng khoảng 10,5 triệu hộ gia đình Anh sẽ ở trong cảnh nghèo trong 3 tháng đầu năm 2023 do chi phí năng lượng gia tăng. Điều này có nghĩa là thu nhập của các gia đình sau khi trả hoá đơn năng lượng giảm xuống dưới ngưỡng nghèo.
Theo định nghĩa mà Chính phủ Anh đưa ra, một hộ gia đình ở nước này được coi là nghèo nếu thu nhập của hộ đó thấp hơn 60% so với mức trung bình toàn quốc. Thống kê chính thức cho thấy trong năm 2021, thu nhập trung bình toàn quốc của hộ gia đình ở Anh là 31.000 Bảng, tương đương 37.500 USD.
Dự báo trên được đưa ra trên cơ sở phân tích mới từ công ty nghiên cứu Cornwall Insight. Theo phân tích này, tính bình quân, từ tháng 10 năm nay trở đi, hoá đơn năng lượng bình quân của một hộ gia đình ở Anh sẽ là 3.582 Bảng, tương đương 4.335 USD, trong 1 năm. Con số sẽ tăng lên mức 4.266 Bảng, tương đương 5.163 USD, từ tháng 1/2023, tương đương 355 Bảng (430 USD)/tháng.
Con số dự báo của tháng 1 đồng nghĩa mức thăng 116% từ mức hiện tại. Do giá xăng dầu tăng cao, các dự báo liên tục được điều chỉnh. Mới vào tuần trước, Cornwall Insight dự báo hoá đơn năng lượng tháng 1 tăng 83% so với mức hiện tại.
Công ty nghiên cứu này nói rằng dự báo phải được điều chỉnh tăng do giá bán buôn năng lượng ở Anh mới tăng lên và nhà chức trách nước này mới thay đổi cách tính trần giá năng lượng. Tuy nhiên, Cornwall Insight dự báo hoá đơn năng lượng của các hộ gia đình Anh sẽ bắt đầu giảm trong nửa sau của năm 2023.
Chi phí năng lượng mà người Anh phải trả bắt đầu tăng lên từ năm ngoái, khi tình trạng khan hiếm khí đốt trên toàn cầu đẩy giá bán buôn khí đốt ở nước này lên mức cao kỷ lục. Chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra càng khiến tình hình thêm phần tồi tệ.
Năm nay, hoá đơn năng lượng của các hộ gia đình ở Anh đã tăng 54%, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn đã buộc nhiều người Anh phải lựa chọn giữa “sưởi ấm và ăn uống”.
Vào tháng 5, Chính phủ Anh công bố một gói hỗ trợ 15 tỷ Bảng, tương đương 18 tỷ USD, bao gồm 400 Bảng (484 USD) tiền mặt chi trả trực tiếp cho 29 triệu hộ gia đình bắt đầu từ tháng 10 nhằm giúp các gia đình giảm bớt gánh nặng tiền điện, tiền khí đốt.
Tuy nhiên, điều phối viên Simon Francis của EFPC nói rằng dự báo mới nhất về hoá đơn năng lượng ở Anh đồng nghĩa mức hỗ trợ trên chỉ giống như “muối bỏ bể”.
Bà Liz Truss, Ngoại trưởng Anh và là ứng cử viên số 1 cho vị trí Thủ tướng Anh thay ông Boris Johnson từ tháng tới, đã đề xuất giảm thuế nhằm giúp người dân đang gặp khó khăn trong việc chi trả hoá đơn năng lượng, thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Đối thủ chạy đua ghế Thủ tướng của bà Truss, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak, nói rằng cần phải có thêm sự hỗ trợ.
Trong khi đó, CBI, tổ chức doanh nghiệp lớn nhất ở Anh, kêu gọi ông Johnson tập hợp các ứng cử viên ghế Thủ tướng để nhất trí về một cách thức hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp ứng phó với sự leo thang của hoá đơn năng lượng, sao cho các biện pháp cụ thể được công bố sớm, vì trần giá năng lượng của tháng 10 sẽ được thiết lập vào ngày 26/8.
Năm nay, hoá đơn năng lượng của các hộ gia đình ở Anh đã tăng 54%, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn đã buộc nhiều người Anh phải lựa chọn giữa “sưởi ấm và ăn uống”. |
Link gốc