Hội thảo Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam

Hội thảo diễn ra ngày 2/6/2022 tại Hà Nội do Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương tổ chức.

Điện gió ngoài khơi là một thành phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai ở Việt Nam. Với QHĐ8, Việt Nam sẽ bắt đầu một ngành công nghiệp mới – điện gió ngoài khơi. Công nghệ này hoàn toàn khác với công nghệ gió gần bờ hiện có. Trên thực tế, điện gió ngoài khơi khác biệt với điện gió gần bờ và được phân biệt bằng khoảng cách từ trang trại gió đến bờ, quy mô công suất và công nghệ.

Nhờ tuabin gió có kích thước lớn hơn và hiệu suất cao hơn, vốn và chi phí vận hành thấp hơn, cũng như các tiến bộ công nghệ khác, giá thành điện gió ngoài khơi đã giảm trên toàn cầu. Đây là yếu tố và động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và rộng rãi của loại hình công nghệ này.

Đan Mạch là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi kể từ năm 1991 khi Đan Mạch đưa vào vận hành trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, Đan Mạch cũng đi đầu trong việc giảm chi phí điện gió ngoài khơi. Gói thầu dự án điện gió ngoài khơi 1.000 MW hoàn thành vào cuối năm 2021 ở Đan Mạch đã thiết lập một kỷ lục mới về giá và cho thấy khả năng cạnh tranh của công nghệ điện gió ngoài khơi khi có các điều kiện pháp lý thuận lợi.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi, có thể lên tới 160GW và hiện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển 7GW điện gió ngoài khơi.

Toàn cảnh hội thảo

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho hay, tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, dự báo tình trạng thiếu điện ở miền Bắc và có thể phải truyền tải nhiều điện hơn ra khu vực phía Bắc. Vấn đề đặt ra là có thể tăng truyền tải điện ra miền Bắc hay cân nhắc phát triển điện gió ngoài khơi ở miền Bắc.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, các vấn đề còn tồn tại khi đấu nối điện gió ngoài khơi là: Chưa có quy hoạch hệ thống tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối các dự án điện gió ngoài khơi để giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, giao thông vận tải biển và sinh kế như dân; vấn đề phân chia ranh giới đầu tư lưới điện đấu nối giữa nhà đầu tư điện gió ngoài khơi với đơn vị quản lý vận hành và đầu tư hệ thống truyền tải. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục đầu tư còn phức tạp, sự chồng chéo về quản lý giữa các bộ ngành địa phương đối với vùng biển, dẫn tới thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài và tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực hiện…

Tại hội thảo, ông Erik Kjær, cố vấn trưởng của Cục Năng lượng Đan Mạch đã chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về việc xây dựng chính sách dài hạn và ổn định để giúp giảm giá thành điện gió ngoài khơi; chia sẻ rủi ro và xây dựng một khuôn khổ pháp lý thuận lợi và  những bài học kinh nghiệm quý báu từ Đan Mạch.


  • 03/06/2022 10:21
  • Minh Anh
  • 938