IEA cảnh báo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên thế giới 'quá chậm'

Mới đây, báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ cần tăng gấp ba vào cuối thập kỷ này để đáp ứng được các cam kết quốc tế về khí hậu, nhất là việc đạt mức phát thải ròng bằng không.

Khai thác than đá diễn ra ở Đức với các tuabin gió ở phía sau - Nguồn ảnh: https://www.cnbc.com/.

Báo cáo của IEA cho biết, doanh số bán xe điện đạt kỷ lục mới vào năm 2020 và các nguồn tái tạo như gió và quang điện tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, tuy nhiên mức tăng này vẫn “quá chậm để đưa lượng khí thải toàn đạt mức phát thải ròng bằng không”.

Nguyên nhân được đưa ra là do sự phục hồi kinh tế nhanh chóng nhưng không đồng đều tại các quốc gia sau đại dịch COVID-19. Điều này đã gây ra những căng thẳng đáng kể cho hệ thống năng lượng toàn cầu, bao gồm sự tăng giá mạnh trên thị trường khí đốt tự nhiên, than và điện.

Báo cáo cũng cho biết, năm 2021 đã chứng kiến ​​sự phục hồi lớn trong việc sử dụng nguồn năng lượng từ than và dầu. Điều này cũng khiến ​​mức phát thải CO2 tăng.

Khi xem xét triển vọng năng lượng thế giới trong những năm sắp tới, IEA đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra.

Kịch bản thứ nhất, nếu các biện pháp, chính sách mà các quốc gia đã áp dụng thiếu tính hiệu quả, lượng khí thải hàng năm trên toàn thế giới sẽ không đạt được như cam kết toàn cầu đã công bố, nhiệt độ vào năm 2100 sẽ cao hơn 2,6 độ C so với mức trước công nghiệp.

Với kịch bản thứ 2, nếu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không được thức hiện kịp thời vào năm 2050 như đã công bố trong bản cam kết tại hiệp định Paris, các quốc gia có khả năng phải tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng sạch trong thập kỷ tới. Khi cam kết này được thực hiện kịp thời, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo vào khoảng 2,1 độ C vào năm 2100 - một sự cải thiện rất đang kể, nhưng vẫn cao hơn mức 1,5 độ C đã được thống nhất theo hiệp định Paris.

Phân tích thêm về báo cáo mới được công bố, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cho biết, các quốc gia trên thế giới cần giải quyết vấn đề này tại COP26 bằng cách đưa ra một tín hiệu rõ ràng và cam kết mở rộng nhanh chóng các công nghệ sạch và có khả năng phục hồi trong tương lai. Những lợi ích kinh tế và xã hội của việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch là rất lớn, tuy nhiên chi phí để thực hiện điều này cũng là một thách thức lớn đối với mỗi quốc gia.

"Các nhà lãnh đạo thế giới nên đoàn kết và đưa ra những chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển, những chính sách này nên khiến cho các nhà đầu có nguy cơ mất tiền nếu họ tiếp tục đầu tư vào “năng lượng bẩn.” - Giám đốc điều hành IEA nhấn mạnh.


  • 15/10/2021 10:58
  • Thanh Huyền (biên dịch theo https://indianexpress.com/)
  • 1276