Tiết kiệm điện, giảm tổn hao điện năng
Phó GS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, theo tính toán sơ bộ, riêng tại Mỹ, tổn hao sắt từ của các MBA phân phối hằng năm vào khoảng 1,5 tỷ USD. Các giải pháp nâng cao hiệu suất MBA chủ yếu là nâng cao chất lượng vật liệu từ, thiết kế MBA có kích thước hợp lý để sử dụng tốt vật liệu, phối hợp cách điện...
Máy biến áp lõi tôn vô định hình là giải pháp mới nhằm tiết kiệm năng lượng
|
Để giảm tiêu hao sắt từ và tiết kiệm điện, có thể thay thế MBA lõi thép silic tinh thể định hướng cán nguội bằng vật liệu vô định hình. Cụ thể, máy biến áp vật liệu vô định hình giúp cho điện trở suất tăng gần 3 lần, tổn hao sắt từ giảm 70 - 80%, việc chế tạo cũng tiết kiệm hơn như chiều dày lá thép giảm đi 10 lần, lực khử từ rất nhỏ 0,8A/m, đường cong từ trễ hẹp, do đó tổn hao từ trễ có thể bỏ qua... Hiện nay, nhiều nước sử dụng rộng rãi máy biến áp vật liệu vô định và xem đây là “chìa khoá” để giảm tổn hao điện năng, tiết kiệm điện.
Tại hội thảo “Máy biến áp lõi tôn vô định hình hiệu suất cao và ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam”, do Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM (ECC – HCM) và Công ty Hitachi Metals phối hợp tổ chức, ông Nakajima – Đại diện Công ty Hitachi Metals đã nhấn mạnh đến giá trị hữu dụng của MBA vật liệu vô định qua những kết quả đo thử nghiệm các thông số hoat động của các máy biến áp tại Việt Nam nằm trong các khu dân cư, khách sạn, các khu công nghiệp Biên Hòa, Bình Dương cũng như tại một số máy biến áp của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực TP.HCM.
Xu hướng phát triển tất yếu
Máy biến áp vô định hình hiện được chế tạo và lắp đặt trên toàn thế giới. Dẫn đầu là Mỹ, EU và Nhật Bản.
Từ năm 2005, Trung Quốc và Ấn Độ đã khởi động chương trình chế tạo hàng loạt MBA lõi từ vô định hình, tiềm năng tiết kiệm từ 25-30 TWh hằng năm, giảm chi phí đầu tư 6-8 GW, giảm 20-30 triệu tấn CO2 nhờ ứng dụng công nghệ này.
|
|
Hiện, Hitachi Metals đã chuyển giao công nghệ sản xuất máy biến áp vô định hình cho Việt Nam. Sản phẩm đã được thử nghiệm tại Trung tâm Đo lường 3 và đạt được chất lượng vận hành tốt. Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc ECC-HCM cho biết, dự tính vào năm 2012, máy biến áp sử dụng hợp kim vô định hình sẽ được thử nghiệm trên lưới tại các chi nhánh EVN tại Hà Nội (huyện Đông Anh), EVN TP HCM (khách sạn Horizon) và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… để xác định chất lượng vận hành trong thực tiễn.Theo ông Lê Văn Chuyển - Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2010, khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, việc nghiên cứu các loại vật liệu mới nhằm hạn chế tiêu hao nhiên liệu và khí phát thải ra môi trường rất được chú trọng. Việc EVN hợp tác cùng ECC-HCM và Công ty Hitachi Metals thử nghiệm lõi hợp kim vô định hình hiệu suất cao trong các máy biến áp tại các chi nhánh EVN tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh khác là một nỗ lực nhằm giảm thiểu việc sử dụng lãng phí năng lượng và phát thải ra môi trường.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện năng rất lớn, nếu tiếp tục sử dụng loại máy biến áp có lõi truyền thống thì lượng điện năng tiêu hao lớn, gây lãng phí và thiếu hiệu quả. Hợp kim vô định hình được ECC-HCM đánh giá là phù hợp với môi trường và thực tế sử dụng tại Việt Nam. Với máy biến áp có lõi từ bằng kim loại vô định hình, tổn hao trong lõi từ có thể giảm xuống tới 75% so với máy biến áp lõi từ bằng tôn cán lạnh định hướng. Điều đó sẽ góp phần tích cực vào việc giảm tiêu hao năng lượng và phát khí thải ra môi trường.