Giờ đây, nhờ có hệ thống lọc nước đơn giản bằng năng lượng mặt trời do các nhà nghiên cứu Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Mỹ, phát minh, người dân làng La Mancalona có thể tự lọc nước từ nguồn nước ngầm và nước mưa. Hệ thống này có thể lọc khoảng 1.000 lít nước một ngày, đủ cung cấp cho một ngôi làng với khoảng 450 người sinh sống.
|
Dân làng La Mancalona lấy nước từ bể lọc. Ảnh: MIT |
"Đây là mô hình cung cấp nước sạch hoàn toàn mới", theo Giáo sư Steven Dubowsky, Đại học MIT, người khởi xướng dự án vào năm 2012.
Có kích thước bằng một kho chứa hàng nhỏ, hệ thống lọc nước gồm hai tấm pin mặt trời tạo ra điện năng dùng để vận hành các máy bơm. Những máy bơm này sẽ đẩy nước qua bộ lọc được làm từ nhiều lớp màng có độ xốp vừa phải để lọc bỏ các chất rắn hòa tan và chất ô nhiễm sinh học. Công nghệ này có tên gọi là thẩm thấu ngược bằng quang điện (viết tắt là PVRO).
Nhóm nghiên cứu Đại học MIT đã hướng dẫn dân làng cách vận hành và bảo trì hệ thống, để họ có thể tự thay các đèn tia cực tím và màng lọc. Họ cũng không gặp khó khăn gì trong việc thay pin và những bộ phận khác của hệ thống.
Hệ thống lọc nước này cũng trở thành một nguồn thúc đẩy phát triển kinh tế cho cộng đồng. Người dân trong vùng giờ đây có thể mua nước sạch với giá rất rẻ để phục vụ sinh hoạt. Lợi nhuận từ việc kinh doanh nước lọc một phần được dùng cho việc bảo trì hệ thống, một phần dùng cho việc công ích.
"Dân làng cũng đang cố gắng phát triển một kế hoạch kinh doanh tập trung vào việc bán nước sạch cho khách du lịch tham quan khu di tích của người Maya", Huda Elasaad, trưởng nhóm dự án cho biết.
Công nghệ chạy bằng năng lượng mặt trời này được tạo ra để có thể phù hợp với môi trường bản địa, và có thể áp dụng các biện pháp khác nhau như lọc điện hoặc lọc nano. Trước thành công của dự án tại làng La Mancalona, các nhà khoa học Đại học MIT đang tìm cách đưa thêm các hệ thống lọc nước nữa đến những ngôi làng khác.