Mua đồ điện tử qua mạng: Cách nào hạn chế rủi ro?

Với những ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; có thể mua sắm 24/24 giờ; dễ dàng so sánh giá cả giữa các cửa hàng...; mua sắm online đang trở thành xu thế của xã hội. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng rất dễ bị thiệt thòi.

Theo Văn phòng Tư vấn khiếu nại, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), những năm gần đây, Văn phòng nhận được khá nhiều khiếu nại của người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng, trong đó sản phẩm điện tử chiếm số lượng không nhỏ. Đa phần các khiếu nại đều do các sản phẩm đến tay khách hàng có hình thức, chất lượng khác xa quảng cáo trên các website; xuất xứ không rõ ràng; bị trầy xước; không có hóa đơn bán hàng... Đặc biệt, nhiều sản phẩm được giới thiệu là sản phẩm của các hãng lớn, nhưng khi giao hàng là hàng nhái, chất lượng kém, giá trị thấp hơn nhiều so với sản phẩm đặt mua. Khách hàng phải khiếu kiện đi, khiếu kiện lại nhiều lần, rất mệt mỏi...

Ảnh minh họa

Trường hợp ông Nguyễn Hữu Hải (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đặt mua điện thoại Samsung Galaxy N7000 trên một trang bán hàng online là một ví dụ. Khi đặt mua là hàng xách tay Hàn Quốc, nhưng khi nhận hàng thì lại là hàng Trung Quốc. Khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết, cuối cùng ông Hải đành chấp nhận chịu thiệt thòi. Anh Nguyễn Mai Lâm (Quế Võ, Bắc Minh) đặt mua điện thoại trị giá 3,6 triệu đồng, được quảng cáo là có máy ảnh 8MP, hệ điều hành Android 4.0, có chương trình khuyến mãi tặng tai nghe và thẻ nhớ 4G. Nhưng thực tế nhận hàng thì điện thoại không giấy tờ xuất xứ, không hóa đơn bán hàng, máy ảnh 0,3MP, không tai nghe, không thẻ nhớ... Phải đi lại khiếu nại rất nhiều lần, anh Lâm mới được trả lại số tiền chênh lệch giữa hai chiếc điện thoại, vì bên bán nhất quyết không cho trả lại sản phẩm...
 
VINASTAS khuyên rằng, để tránh những rủi ro không đáng có, người tiêu dùng cần thận trọng, tìm hiểu kĩ về sản phẩm, doanh nghiệp cung cấp... trước khi quyết định mua. Khi tham gia giao dịch và trước khi nhận hàng, phải biết chắc sản phẩm đó có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đích thực như mong muốn. Trong quá trình giao nhận, phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ chứng từ hàng hóa và hóa đơn bán hàng theo quy định.
 
Lưu ý khi mua hàng qua mạng:
  • Lựa chọn website, doanh nghiệp bán hàng có uy tín, thương hiệu. Hiện nay, có rất nhiều trang web giả danh các địa chỉ uy tín để lừa đảo khách hàng. Do đó, cần phải kiểm tra kĩ địa chỉ của các website bán hàng trước khi thực hiện giao dịch.
  • Tìm hiểu kĩ thông tin chi tiết về sản phẩm để so sánh khi nhận hàng.
  • Lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chế độ bảo hành.
  • Trao đổi kĩ chính sách đổi - trả hàng; mức phí giao hàng khi quyết định mua sản phẩm.
  • Nếu có thể, hãy chọn cách thanh toán trực tiếp sau khi đã giao hàng, để có thể trả lại hàng nếu không ưng ý. Khi được giao hàng, cần phải thử sản phẩm và các linh kiện đi kèm.
  • Không nên mua đồ điện tử trên các trang bán hàng giá rẻ, bởi đa số là hàng xuất xứ không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo. 

Anh Trần Đức Thành (Ba Đình, Hà Nội): Tôi thường tìm hiểu các sản phẩm điện tử qua intetnet để xem xét chất lượng, các thông số và so sánh giá bán, nhưng khi mua thì tôi đến trực tiếp cửa hàng. Bởi sản phẩm điện tử mình phải nhìn thấy tận mắt, dùng thử mới nắm chắc được về chất lượng chứ nhìn qua mạng, cái nào cũng lung linh.

Chị Nguyễn Ngọc Huyền (Long Biên, Hà Nội): Tôi ít khi mua đồ điện nói chung, đồ điện tử nói riêng qua mạng. Với một số sản phẩm như máy xay sinh tố, ấm điện, thì cũng có đặt mua trực tuyến, vì giá cả không quá đắt nên có khi không ưng cũng tặc lưỡi cho qua. Còn các sản phẩm như điện thoại, tivi, máy tính..., tốt nhất vẫn nên mua trực tiếp, nhằm hạn chế rủi ro.

Anh Phan Thành Vinh (Nghi Xuân, Hà Tĩnh): Tôi vẫn mua điện thoại, máy tính qua mạng, vừa tiện lợi, vừa đỡ mất thời gian. Điều quan trọng là phải mua hàng của những website, thương hiệu uy tín, có cam kết rõ khi nhận hàng: Nếu sản phẩm không đúng như quảng cáo, bị trầy xước... tôi sẽ trả lại.


  • 26/06/2015 08:24
  • Theo Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Thế giới Điện
  • 3878


Gửi nhận xét