Ảnh minh họa
Năm 2008, Liên minh châu Âu (EU) thông qua chính sách tổng thể về năng lượng và thay đổi khí hậu với những mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2020: Cắt giảm 20% phát thải khí nhà kính so với mức năm 1990; đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo; và giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng thông qua việc nâng cao hiệu quả năng lượng.
Các nỗ lực tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng năng lượng hiệu quả hơn đã được áp dụng từ rất sớm, trước khi EU đưa vào áp dụng chính sách năng lượng và thay đổi khí hậu. Giá dầu tăng vọt vào những năm 1970 đã làm choáng váng các nền kinh tế phương Tây, khiến nhiều khu vực và quốc gia phải tìm cách cải thiện cường độ và hiệu suất sử dụng năng lượng.
Qui chuẩn quốc gia về các tòa nhà
Kể từ những năm 1970, tất cả các quốc gia thành viên đều đã qui định các mức tiêu chuẩn tối thiểu trong cả nước đối với cách nhiệt trong các tòa nhà mới và thiết bị. Năm 2002, EU ban hành Chỉ thị về Tính năng năng lượng đối với các tòa nhà (Energy Performance of Buildings Directive – EPBD), trong đó qui định các mức tiêu chuẩn tối thiểu về hiệu suất đối với tòa nhà ở và tòa nhà thương mại.
Năm 2009, Chỉ thị EPBD được sửa đổi, theo đó, tất cả các tòa nhà khi sửa chữa lớn đều phải đáp ứng các yêu cầu về tính năng năng lượng. Tuy nhiên vì mỗi nước thành viên EU lại đặt ra tiêu chuẩn quốc ra riêng nên hiệu suất năng lượng qui định cho các tòa nhà của 27 quốc gia thành viên EU cũng khác nhau đáng kể.
Cộng hòa Liên bang Đức thường được nêu gương về ứng dụng thực tế: Tất cả các tòa nhà được cải tạo ở mức đáng kể đều phải đáp ứng yêu cầu hiệu suất năng lượng cao. Cơ quan Năng lượng Đức (DENA) cấp nhãn chất lượng “Nhà hiệu suất cao” rất có uy tín cho các nhà ở xây mới hoặc được cải tạo đáp ứng tiêu chuẩn về năng lượng.
Các công trình xây dựng và cải tạo có thể nhận được tài trợ với lãi suất thấp thông qua “Chương trình xây dựng và cải tạo hiệu quả về năng lượng” do Ngân hàng KfW Forderbank quản lý. Khoản vốn vay luôn sẵn có để tài trợ cho các cá nhân, các công ty bất động sản và các đơn vị quản lý nhà đất của nhà nước để cải thiện cách nhiệt cho các bất động sản nhà ở và thương mại thời kỳ hậu chiến.
Chương trình này đã tài trợ cho việc nâng cấp hàng mấy trăm nghìn nhà ở, kết hợp hiện đại hóa công trình sử dụng và giảm chi phí năng lượng hằng ngày. Năm 2009, Ngân hàng KfW đã chi 9 tỉ euro (12 tỉ USD) cho cải tạo nâng cấp. Các khoản cho vay của KfW cũng tạo ra một ngành công nghiệp cải tạo nâng cấp về sinh thái hiệu quả và linh hoạt, đặc biệt là ở miền Đông nước Đức.
Thụy Điển còn đi xa hơn. Mỗi khi bán hoặc cho thuê nhà, chủ sở hữu phải chứng minh được rằng tòa nhà đáp ứng các tiêu chuẩn cao và ngày càng cao hơn về hiệu suất năng lượng. Trong vòng 20 năm qua, phát thải khí nhà kính từ các tòa nhà đã giảm trên 70%, chủ yếu là do chuyển từ sưởi ấm bằng dầu sang sưởi ấm đô thị.
Tháng 6 năm 2006, Quốc hội Thụy Điển ban hành nghị định theo đó tới năm 2020, năng lượng tiêu thụ trong các nhà ở tính theo đơn vị diện tích được sưởi ấm phải giảm 20%. Điều này đòi hỏi phải cải thiện các công trình hiện có cũng như các công trình xây mới. Cải tạo theo hướng giảm tiêu thụ năng lượng các công trình hiện có có thể giảm tiêu thụ năng lượng được trên 50%.
Các thành viên mới tham gia EU
Từ các số liệu về cường độ sử dụng năng lượng của một số nước thành viên mới của EU có thể thấy tiềm năng nâng cao hiệu suất năng lượng là rất lớn. Trong 5 năm qua, bằng việc cải tạo các tòa nhà hiện có, Ba Lan đã giảm mức tiêu thụ năng lượng nhà ở được gần 20%.
Trong thập kỷ qua, Hungari đã nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng công nghiệp, nhưng còn phải nỗ lực rất nhiều trong lĩnh vực nâng cao hiệu suất năng lượng nhà ở. Chương trình quan trọng nhất về cải tạo nhà mang tên “Cải tạo nhà ở theo hướng hiệu quả năng lượng có sử dụng công nghệ công nghiệp hóa”.
Chương trình này đảm nhiệm việc cải tạo và hiện đạo hóa theo hướng hiệu quả năng lượng các khu nhà căn hộ lắp ghép cách nhiệt kém. Loạinhà này chiếm tới 18,8% các căn hộ ở Hungari. Chi phí đầu tư lên tới 1.490 euro, trong đó một phần ba do nhà nước tài trợ, một phần ba là từ địa phương, một phần ba do chủ nhà chi trả. Nâng cao hiệu suất năng lượng các tòa nhà hiện có giúp Hungari cắt giảm 40% lượng khí đốt nhập khẩu hằng năm.
Ở Rumani, hiệu suất năng lượng khu vực nhà ở tăng 36% trong thời gian 1996 – 2006, điều này phần nào phản ánh mức hiệu suất năng lượng thấp tại thời điểm gốc năm 1996. Giờ đây đã có sẵn các biện pháp nâng cao hiệu suất năng lượng các tòa nhà hiện có. Các tiêu chuẩn cao hơn đối với nhà ở xây mới cũng được xây dựng. Việc dán nhãn năng lượng các thiết bị sinh hoạt và máy thu đang được mở rộng áp dụng. Giảm tiền trợ cấp, tăng giá năng lượng giúp đẩy nhanh áp dụng các biện pháp hiệu quả năng lượng.
Giúp người mua hiểu rõ về hiệu suất năng lượng của sản phẩm
Chương trình dán nhãn đầu tiên của EU hồi năm 1992 được áp dụng cho thiết bị làm lạnh, máy giặt và sấy khô, bếp lò, sản xuất và cung cấp nước nóng, chiếu sáng, và máy điều hòa không khí. Nhờ đó, hiệu suất làm lạnh tăng 25% trong thời gian 1992 – 1999. Hiện nay EU đang xem xét các tiêu chuẩn mới về tính năng năng lượng áp dụng cho 20 chủng loại sản phẩm, trong đó có máy tính, điện năng dùng cho chiếu sáng và chế độ dự phòng (standby).
Dán nhãn năng lượng của EU giờ đây phát triển đến mức tất cả các bóng đèn, ôtô và phần lớn các thiết bị điện đều phải được dán nhãn năng lượng. Hiệu suất năng lượng của sản phầm được chấm điểm theo các mức năng lượng được mã hóa màu, từ A đến G, trong đó “A” là hiệu suất năng lượng cao nhất, “G” là thấp nhất. Đối với thiết bị làm lạnh còn có thêm các mức điểm A+ và ++: Tủ lạnh A+ có hiệu suất năng lượng cao hơn không dưới 25% so với tủ lạnh A, còn các tủ lạnh A++ có thể có hiệu suất năng lượng cao hơn tới 60%.
Tiêu thụ năng lượng tính bằng kilôoát giờ cho phép so sánh các kiểu thiết bị với nhau, nhờ đó khuyến khích nhà chế tạo nâng cao tính năng năng lượng của sản phẩm.
Website Topten (www.topten.info) hướng dẫn người mua tìm đến các thiết bị điện gia dụng, thiết bị văn phòng và xe ôtô có hiệu suất năng lượng cao nhất châu Âu. Topten giờ đây hoạt động tại 16 nước thuộc EU, cũng như ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dự án Euro-Topten được EU tài trợ một phần và do Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng Pháp điều phối. Dự án này đi vào hoạt động từ năm 2006 nhằm xúc tiến việc xây dựng các website Topten quốc gia trong phạm vi EU. Mục tiêu của dự án là bao quát 74% dân số của EU27, thu hút 3 triệu truy cập mỗi năm, và giảm tiêu thụ 300 GWh điện năng mỗi năm. Các sản phẩm trên các website Topten phải phù hợp với các tiêu chuẩn cụ thể về tiêu thụ năng lượng và nước, công suất, âm thanh, sẵn có trên thị trường, v.v.
Ngôi nhà tại thị trấn Langerringen (bang Bavaria, Đức) được Cơ quan năng lượng Đức (DENA) công nhận đạt mức hiệu suất năng lượng.
Phát thải từ giao thông đường bộ tiếp tục tăng
Các số liệu do Cơ quan Môi trường châu Âu công bố tháng 10/2010 cho thấy tiêu thụ năng lượng của ngành giao thông tăng 38% trong thời gian 1990 - 2007, đạt tới mức 463 triệu tấn dầu qui đổi trong năm 2007.
Giao thông đường bộ tiêu thụ 72% năng lượng của ngành giao thông. Hàng không là khu vực có mức tiêu thụ tăng trưởng cao nhất, tăng 84% trong thời gian 1990 – 2007. Các quốc gia thành viên mới có mức tăng trưởng tiêu thụ cao hơn (3,3%) so với 15 quốc gia thành viên ban đầu (2,2%).
Nâng cao hiệu suất năng lượng, cụ thể là 1,5%/năm đối với xe ôtô mới kể từ năm 1995 không đủ để bù cho tăng trưởng trong nhu cầu giao thông, đặc biệt là nhu cầu đi lại bằng máy bay đã góp phần tạo ra sự gia tăng này. Theo dự báo, tiêu thụ năng lượng trong ngành giao thông sẽ tăng trung bình mỗi năm 1% tại 27 quốc gia thuộc EU trong vòng 30 năm (tính tới năm 2030), nếu như không áp dụng thêm các chính sách mới.
Các công cụ chính sách của từng quốc gia bao gồm các biện pháp nâng cao hiệu suất năng lượng của xe cộ, cũng như các nỗ lực nhằm tác động tới việc sử dụng xe ôtô. Cụ thể là các biện pháp tài chính – thuế hoặc trợ cấp – khi mua xe, trước bạ, nhiên liệu động cơ, phí đường bộ, dán nhãn ôtô, khuyến khích thải loại xe cũ và trợ cấp sử dụng nhiên liệu sinh học.
Các quốc gia có mức thuế xe cao (ví dụ như Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Hà Lan, Ailen và Bồ Đào Nha) lại có mức phí trước bạ thấp hơn so với mức trung bình tại châu Âu. Một số quốc gia xây dựng biểu giá thuế xe nhằm phản ánh phát thải CO2 hoặc hiệu suất năng lượng của ôtô.
Thuế nhiên liệu đóng vai trò then chốt trong việc tác động tới đặc tính năng lượng-hiệu suất. Na Uy, Thụy Điện, Phần Lan và Đức đã qui định mức thuế cụ thể về CO2/môi trường đối với nhiên liệu động cơ. Tính thuế nhiên liệu ở Đức và Anh theo kiểu leo thang, mức gia tăng định kỳ được lập kế hoạch trước nhằm phát tín hiệu mạnh để người tiêu thụ biết về xu hướng giá trong tương lai.
Phí đường bộ có thể giúp nâng cao hiệu suất năng lượng. Dán nhãn CO2/hiệu suất năng lượng cung cấp thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe cho người tiêu thụ. Đã thử áp dụng các chương trình loại bỏ xe, nhưng người tiêu thụ năng lượng lại có xu hướng thay xe cũ bằng xe mới công suất cao hơn. Một biện pháp sớm đã được áp dụng mang tên “Le Grenelle de l’Environnement”. Đây là một cuộc vận động đa phương của Pháp về phát triển bền vững đã, một hình thức khuyến khích tài chính dựa trên phát thải CO2 khi mua xe mới.
Người mua có thể được hưởng ít nhất là 200 euro cho một xe phát thải dưới 130 g CO2/km. Khoản tiền thưởng có thể lên tới 5.000 euro đối với xe ôtô chạy điện phát thải dưới 60 g CO2/km. Người mua kiểu xe phát thải trên 160 g CO2/km sẽ bị phạt từ 200 euro tới 2.600 euro.
Theo số liệu của Ủy ban các nhà chế tạo ôtô Pháp (CCFA), số xe loại B (phát thải 100-120 g CO2/km) bán ra tăng vọt, trong khi đó lượng bán ra và thị phần các loại xe ô nhiễm cao, từ loại D đến loại G (trên 140 g CO2/km) tụt xuống.
Năm 2005, Quốc hội Đức cũng đã đưa vào áp dụng loại thuế đánh vào vận tải hàng hóa đường bộ. Mức thuế tùy thuộc vào khoảng cách vận chuyển, mức phát thải của xe và cỡ trục. Biện pháp này đem lại ưu thế so sánh đáng kể cho ngành vận tải đường sắt. Theo ước tính, tiềm năng cắt giảm phát thải hằng năm là 1-5 triệu tấn CO2. Khoản 3,4 tỉ euro thu được hằng năm từ thuế này được sử dụng cho bảo dưỡng đường bộ, đường sắt và các tuyến đường thủy.
Các chương trình cho thuê xe đạp của cộng đồng hoặc doanh nghiệp công có thể khuyến khích giao thông ít phát thải cacbon ở vùng trung tâm các thành phố. Chương trình Vélib của thành phố Paris (Pháp) mới thành lập cách đây 3 năm, hiện giờ đã có 17.000 xe đạp và 1.202 trạm bố trí khắp khu vực trung tâm thành phố.
Các biện pháp hiệu suất năng lượng chưa đủ đáp ứng tiêu chí của EU
Theo công bố tháng 11/2010 của Cơ quan theo dõi chính sách khí hậu của EU thì việc hỗ trợ năng lượng tái tạo đã được triển khai rộng rãi khắp châu Âu, tuy nhiên những cải thiện về hiệu suất năng lượng trong giao thông và công nghiệp còn tụt hậu nghiêm trọng.
Báo cáo của WWF Internationalvà các nhà phân tích Ecofys cho rằng chưa có quốc gia nào có được khuôn khổ chính sách cần thiết để đáp ứng được mục tiêu cắt giảm 80-95% phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Đan Mạch, Đức, Ailen và Thụy Điển thực hiện tốt nhất, mặc dầu chỉ đạt được mức “D” trên thang chấm điểm A – G. Anh và phần lớn các nước thành viên EU nhận được mức thấp “E”, trong khi đó Bulgari, Síp, Phần Lan, Hy Lạp, Luxembua, Malta, Ba Lan và Rumani chỉ được chấm điểm “F”.
Bài báo giới thiệu một số trong vô vàn các sáng kiến mà mỗi nước đã áp dụng để sử dụng năng lượng tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu hiệu quả năng lượng của EU, các quốc gia thành viên còn phải cố gằng hơn rất nhiều để tác động, thuyết phục hoặc buộc các cá nhân, doanh nghiệp và khu vực công sử dụng năng lượng hiệu quả hơn cũng như giảm mức phát thải cacbon.