Trong năm 2009, Green Peace đã công bố một kịch bản thay thế về phát triển năng lượng ở Nga, chứng minh rằng đến năm 2020, các nhà máy điện dựa trên nguồn năng lượng thay thế sẽ có thể cung cấp cho đất nước 13% nhu cầu về điện.
Nhưng để đạt được điều này, cần thay đổi chính sách trợ cấp đối với các nguồn năng lượng truyền thống, trước hết là ngưng xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân và các nhà máy thủy điện lớn. Chỉ riêng lĩnh vực năng lượng hạt nhân mỗi năm được nhận từ ngân sách liên bang đến 100 tỷ rúp hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Nếu nhà nước đảm bảo cho nhà đầu tư ổn định thu nhập từ nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo (thông qua giảm thuế và các cơ chế hỗ trợ tài chính khác) thì gió và năng lượng mặt trời sẽ là một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với than và nguyên tử, đại diện Green Peace cho biết.
Kịch bản do Green Peace xây dựng được cho là thực tế, vì điều này đã được chứng minh qua kinh nghiệm của các nước khác. Đến năm 2020, Trung Quốc có kế hoạch tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong ngành điện lên 15%, Ai Cập 20%, EU 30%. Tuy nhiên, kế hoạch của Nga vẫn còn khá khiêm tốn – chỉ 4,5% thay vì mức có thể đạt được là 13%.
Về mặt công nghệ, có thể thay thế điện hạt nhân bằng năng lượng gió và mặt trời. Ví dụ, sau vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 ở Nhật Bản, nước Đức đã ngừng 8 lò phản ứng với công suất 8,8 GW để kiểm tra, nguồn điện để bù vào lượng điện giảm do ngừng các lò phản ứng được sản xuất không phải bằng khí đốt và nhiên liệu nhập khẩu, mà bằng gió và năng lượng mặt trời.
Được biết, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) có kế hoạch xây dựng 26 trang trại điện gió trong giai đoạn 2018 - 2020 với tổng số vốn đầu tư 83 tỷ rúp.