Năm 2012 hứa hẹn nhiều giải pháp đột phá
Ông Lê Văn Phước - Tổng giám đốc EVN HCMC cho biết: Nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu năm 2012 tiết kiệm ít nhất 2% sản lượng điện thương phẩm, TP HCM dự kiến tiếp tục triển khai các chương trình đã có hiệu quả từ các năm trước như: Gia đình tiết kiệm điện, tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện, hưởng ứng Giờ Trái đất, quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời...
Đồng thời, triển khai hàng loạt chương trình mới như: "Nhà nhà tiết kiệm điện", phát các vi-đê-ô clip tuyên truyền về an toàn tiết kiệm điện tại các khu vực công cộng, nơi tiếp dân của các cơ quan hành chính phường, xã, chung cư, nhà cao tầng... Ứng dụng công nghệ đo, đếm tự động thu thập dữ liệu điện kế từ xa nhằm theo dõi tình hình sử dụng điện của một số khách hàng trọng điểm. Xây dựng phòng triển lãm tiết kiệm điện, mở rộng đối tượng học sinh được tặng vở có bìa in các giải pháp tiết kiệm điện cho học sinh các trường tiểu học ngoại thành, tổ chức cuộc thi viết cho học sinh về đề tài tiết kiệm điện...
EVN HCMC cũng dự kiến trong năm 2012 sẽ đẩy mạnh các chương trình: Hỗ trợ kinh phí thực hiện kiểm toán năng lượng cho các cơ sở sử dụng điện trọng điểm; cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để thay thế các dây chuyền sản xuất, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng bằng các thiết bị mới có hiệu suất năng lượng cao; các hộ gia đình có thể đổi các thiết bị gia dụng cũ lấy thiết bị mới ít tiêu hao năng lượng điện. Ban chỉ đạo tiết kiệm điện và điều hành sản lượng tại các công ty điện lực phải phân nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, từng nhóm công tác, có biện pháp xem xét trách nhiệm khi không hoàn thành công tác được giao. Trong giai đoạn thiếu điện sẽ thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm giãn bớt nhu cầu về điện, như dịch chuyển ca sản xuất sang giờ bình thường và thấp điểm, dịch chuyển ngày sản xuất từ ngày thường sang ngày thứ bảy và chủ nhật…
Mới đây, EVN HCMC đã ký với 24 đơn vị thành viên cam kết thực hiện TKĐ. Theo đó, EVN HCMC sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí, chi tiêu, đảm bảo tiết kiệm 338 triệu kWh (tương đương 435 tỷ đồng), giảm tổn thất điện năng xuống còn 5,71%.
Riêng sự kiện Giờ trái đất năm 2012, EVN HCMC đã chỉ đạo các hoạt động như phát tờ rơi, treo băng rôn, tờ phướn… và theo dõi sản lượng điện tiết giảm trong thời gian diễn ra sự kiện. Phối hợp, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các hộ gia đình tắt đèn bảng hiệu, quảng cáo và đèn chiếu sáng trong thời gian diễn ra sự kiện. Lồng ghép công tác tuyên truyền tiết kiệm điện với các hoạt động tuyên truyền cho chiến dịch Giờ trái đất năm 2012 như phát tờ rơi tiết kiệm điện; dán poster tiết kiệm điện và Giờ trái đất tại các điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, khu vực công cộng; treo băng rôn tại các tuyến đường lớn trên địa bàn và tuyên truyền qua hệ thống thông tin tại địa phương: đài phát thanh, bảng tin quận/huyện, khu phố…
Kêu gọi CBCNVC và gia đình tích cực hưởng ứng tham gia và thực hiện tắt các đèn chiếu sáng và thiết bị điện không cần thiết trong thời gian diễn ra sự kiện Giờ trái đất và cả lâu dài.Kết quả, toàn TP HCM đã tiết kiệm được 130.000 kWh trong Giờ trái đất. Hơn nữa, Giờ trái đất luôn hướng tới mục tiêu không chỉ được áp dụng một giờ mà là áp dụng thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc.
Năm 2011, TP.HCM dẫn đầu trong phong trào tiết kiệm điện. Ảnh: CTV
|
Cần chế tài cụ thể
Theo ông Phước, để công tác tiết kiệm điện đi vào nền nếp và lâu dài, Chính phủ cần có chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật và các Nghị định về sử dụng năng lượng và tiết kiệm điện. Ví dụ: chế tài xử phạt đối với người đứng đầu nếu đơn vị không thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, làm ảnh hưởng đến chất lượng điện áp trong khu vực…
Xây dựng tiêu chuẩn chiếu sáng cho đèn chiếu sáng quảng cáo và đưa vào tiêu chí quy định cấp phép quảng cáo; Đưa công tác tiết kiệm điện vào các chỉ tiêu thi đua, khen thưởng của các cá nhân, gia đình, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị; Đưa nội dung tiết kiệm điện vào chương trình giáo dục bắt buộc ở phổ thông; Đồng thời, sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các thiết bị tiết kiệm năng lượng.