Dây chuyền công nghệ lạc hậu
Theo Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, các hãng sơn lớn trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh với các doanh nghiệp sản xuất sơn Việt Nam. Sản phẩm sơn do nước ngoài sản xuất tại Việt Nam đã chiếm 65% thị trường sơn trong nước. Các hãng sơn nội chủ yếu bán ở các tỉnh, phân phối qua các kênh đại lý với mức chiết khấu cao, còn thị phần tại các thành phố lớn thì rất khó chen chân với sơn ngoại.
Lí do sơn nội thua sơn ngoại ngay trên sân nhà là: Chưa đổi mới công nghệ để nghiên cứu và phát triển sản phẩm đa tính năng; không thực hiện quản trị nguồn lực doanh nghiệp, trong đó có quản trị năng lượng.
Theo khảo sát của nhóm thực hiện Chương trình Sản xuất sạch hơn do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Đan Mạch (DADIDA) tài trợ, một số nhà máy sơn ở Việt Nam có tuổi thọ cao trên 40 năm, nhưng hầu như không đổi mới công nghệ và cũng không thực hiện kiểm toán năng lượng, dẫn đến sử dụng năng lượng còn lãng phí.
|
Lắp đặt biến tần cho máy trộn sẽ giảm lượng điện tiêu thụ trong sản xuất sơn - Ảnh PV
|
Cũng theo khảo sát trên, nếu không thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu suất thiết bị, thì đến năm 2015, ngành công nghiệp sơn sẽ cần trung bình khoảng 15 – 23 triệu kWh/năm, tương đương với điện năng tiêu thụ của một thành phố lớn ở Việt Nam. Suất tiêu thụ điện của ngành sơn hiện nay là 20-50 kWh/tấn (tùy thuộc vào sản phẩm gốc dung môi hoặc nước).
Trăn trở về tiết kiệm điện
Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng (TKNL) (ENERTEAM), nếu áp dụng các giải pháp TKNL, tính đến 2015, ngành sản xuất sơn có thể tiết kiệm được 5,831triệu kWh đối với sơn gốc nước và 6,060 triệu kWh đối với sơn gốc dung môi. Muốn vậy, bên cạnh việc đổi mới công nghệ, ngành sản xuất sơn cần nâng cao hiệu quả quản lý năng lượng, kiểm soát hiệu suất máy nghiền, đảm bảo các máy trộn chạy đủ tải, khắc phục rò rỉ khí nén… Ưu tiên thực hiện tốt các giải pháp này, ngành công nghiệp sơn sẽ tiết kiệm đượckhoảng 29% sản lượng điện tiêu thụ/năm.
Nếu các nhà máy đầu tư đổi mới các thiết bị có tính năng giảm tiêu hao điện năng như lắp thêm máy biến tần cho các máy bơm, máy trộn và sử dụng mô tơ hiệu suất cao thì tiết kiệm đạt 13% sản lượng điện tiêu thụ.
Trong sản xuất sơn, lượng điện năng tiêu hao chiếm tỷ trọng lớn ở máy nghiền. Do đó, việc sử dụng máy nghiền có hiệu suất cao cũng có thể tiết kiệm được 20% sản lượng điện tiêu thụ.
Hiện nay, hầu hết các nhà máy sơn Việt Nam chưa thực hiện được các giải pháp tiết kiệm điện nêu trên. Việc lựa chọn giải pháp tiết kiệm điện nào còn tùy vào tiềm lực tài chính, đặc tính công nghệ sản xuất đang sở hữu. Đại diện của Sơn Đại Bàng cho hay: “10 năm qua, chúng tôi đã chú ý rất nhiều đến tiết kiệm điện. Trước đây, hệ thống nước làm mát lấy từ nguồn nước ngầm, nay chúng tôi đã có bể nước đối lưu tuần hoàn. Hệ thống chiếu sáng đã được thay bằng hệ thống đèn compact tiết kiệm điện. Một số động cơ non tải đã được thay thế bằng động cơ nhỏ hơn, hoạt động hiệu suất cao hơn”.
Từ yêu cầu thực tế tiết kiệm điện, đại diện cho Sơn Đại Bàng cũng đề xuất các cơ quan chức năng sớm đưa ra được các mức chuẩn cụ thể về tiết kiệm điện năng cho từng phân ngành sản xuất sơn, cũng như có cơ chế chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả quá trìnhTKNL.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về TKNL (ENERTEAM):
Là tổ chức khoa học công nghệ được thành lập đầu tiên ở Việt Nam chuyên về Tiết kiệm Năng lượng và quản lý tài nguyên.
Tiền thân là tổ chức Trans Energ – Pháp (hoạt động từ năm 1995), đến năm 1999 chính thức trở thành đơn vị tư vấn độc lập với tên gọi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về TKNL – gọi tắt là ENERTEAM.
|