Đạo luật mới tại Nhật Bản nhằm sửa đổi một phần Luật hiện hành liên quan đến cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng của các công trình nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng của toàn xã hội và thúc đẩy tiến trình trung hòa carbon. Giới quan sát nhận định, yêu cầu tiết kiệm năng lượng đang trở thành chủ đề được quan tâm trước áp lực ngày càng tăng của giá nhiên liệu trong thời gian gần đây.
Theo trang NHK, nội dung sửa đổi Luật nhằm mở rộng phạm vi áp dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng tới các loại công trình xây dựng. Cụ thể, các ngôi nhà ở và văn phòng có diện tích mặt sàn từ 300m2 trở lên bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong cách nhiệt, cửa sổ và một số tiêu chuẩn khác.
Cũng theo quy định mới, tại các khu vực được các thành phố tự quản chỉ định để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, các kiến trúc sư có trách nhiệm giải thích tác động của việc giới thiệu các cơ sở năng lượng tái tạo cho các chủ sở hữu tòa nhà. Đồng thời, các thành phố tự quản sẽ hợp lý hóa các hạn chế về chiều cao và các trở ngại khác đối với việc cải tạo tiết kiệm năng lượng.
Một thành phần quan trọng để đạt được tính trung hòa carbon là kết hợp nhiều gỗ hơn trong công trình. Để thúc đẩy việc sử dụng gỗ, giới hạn về chiều cao của các tòa nhà bằng gỗ sẽ được nới lỏng xuống còn 16 mét hoặc thấp hơn, từ đó tăng số lượng các ngôi nhà gỗ có thể xây dựng.
Các quy định phòng cháy cũng sẽ được cân nhắc nhằm hợp lý hóa việc sử dụng nhiều vật liệu gỗ hơn trong cả công trình nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Được biết, quy định về tiết kiệm năng lượng tương tự đã được áp dụng với những tòa nhà văn phòng cỡ lớn. Tuy nhiên, đến năm 2022, Chính phủ Nhật Bản mới mạnh tay trong vấn đề tiết kiệm năng lượng đối với nhà ở và công trình cỡ nhỏ dành cho mục đích phi dân dụng.
Cùng với việc áp dụng Luật mới, một chương trình cho vay lãi suất thấp sẽ được Cơ quan Tài chính nhà ở Nhật Bản giới thiệu sớm. Mục đích nhằm thúc đẩy cải tạo các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các khu dân cư.
Được biết, Nhật Bản đã đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm 46% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2013. Theo đó, giới chức nước này coi việc thúc đẩy năng lượng hiệu quả là một công cụ nền tảng.
Trước đó, các thiết lập và hướng dẫn nhà ở cân bằng năng lượng (net zero energy house - ZEH) và công trình căn bằng năng lượng (net zero energy building - ZEB) đã được giới thiệu nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản trung hòa carbon. Theo đó, các doanh nghiệp bán hoặc cho thuê bất động sản tham gia vào Chương trình người dẫn đầu (Top Runner) được quảng bá các sản phẩm tiết kiệm năng lượng trên các kênh thông tin của Chính phủ, đồng thời được sử dụng chứng nhận để tiếp thị. Sau năm 2025, các công trình xây mới đều sẽ phải hướng tới tiêu chuẩn ZEH/ZEB.
Thông qua các biện pháp này, Chính phủ Nhật Bản đặt kỳ vọng tới năm 2030 sẽ giảm tiêu thụ năng lượng ở mức tương đương 8,89 triệu kL so với năm 2013.
Link gốc