Những chiếc diều sinh điện

Viện Fraunhofer CHLB Đức đang thử nghiệm thả lên trời những chiếc diều để nghiên cứu hiệu quả sinh ra điện.

Nhóm nghiên cứu  "diều điện" sử dụng những sợi cáp dài khoảng 700 mét thả diều bay ở độ cao 300 - 500 mét. Có một đường ray tạo vòng tròn chu vi hàng trăm mét, trên đó có  những “toa xe sinh điện”, diều được neo vào đây để kéo xe.

Những chiếc diều có thể sản sinh ra điện - Ảnh minh họa

Các nghiên cứu của Viện Fraunhofer cho thấy, một “con” diều có diện tích 20 m2, khi bay hình số tám hoặc bay theo sóng hình sin có thể tạo ra một sức mạnh kéo lên đến 10 kN . Khi nhiều gió, diều có thể lôi toa xe đi cả quãng dài theo đường ray vòng tròn. Động năng của toa xe được chuyển thành điện nhờ quay máy phát điện gắn vào trục.

Từ “toa xe sinh điện ” này, một hệ cảm biến gió ngang, gió dọc, đưa thông số vào máy tính, rồi truyền ngược lên chỉnh cánh diều đón gió có lợi nhất, cho ra lực kéo liên tục, cao nhất.

Viện Fraunhofer  đưa ra chỉ số: Ở độ cao 100 mét tốc độ gió chỉ khoảng 15 m/s,  nhưng khi ở độ cao 500 mét tốc độ gió vượt quá 20 m/s. Một chiếc diều ở độ cao 200 mét, sẽ sinh ra điện năng vượt xa một tua-bin gió (dạng cột thông thường). Tốc độ gió gấp đôi, sản lượng điện sẽ cho ra gấp 8 lần.

Bước đầu tính toán, 8 chiếc diều lớn chiếm diện tích bề mặt lên đến 300 mét vuông, có thể sản sinh ra lượng điện tương đương với 20 tua-bin gió thông thường (loại một MW ).

Phát triển hệ thống diều, chỉ cần “thả” ở độ cao vài trăm mét, sẽ rẻ hơn xây dựng tháp tua bin gió loại lớn. Việc bảo dưỡng tháp tuabin gió cũng tốn kém. Theo mô phỏng của Viện Fraunhofer, có thể sử dụng 24 con diều, thay thế 30 tua-bin (loại 2 megawatt) để cấp điện cho khoảng hàng chục ngàn hộ gia đình.

Mô hình này đang được nghiên cứu tổng thể về công nghệ, kinh tế, kết hợp với các phương thức khác nhằm duy trì nguồn điện ổn định. 

 


  • 06/11/2012 02:44
  • Theo Chinhphu
  • 2419


Gửi nhận xét