Tiềm năng lớn
Bình Thuận là vùng đất được xác định có số giờ nắng nhiều, mưa ít, bức xạ nhiệt ổn định với tổng công suất phát triển năng lượng mặt trời đến năm 2030 lên đến hơn 4.755 MW. Đặc biệt, sức nóng đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời càng tăng khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết từ ngày 1/6/2017 sẽ mua điện mặt trời làm ra với giá 9,35 cent/kWh, theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 11/4/2017 đi kèm với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời.
Lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ đầu tư giữa UBND tỉnh Bình Thuận với các nhà đầu tư
|
Bình Thuận cũng là nơi có nhiều vùng mặt bằng rộng nhưng hoang hóa, hoặc có giá trị kinh tế nông nghiệp thấp; là vùng đồi cát, vùng đất không có dân cư, nếu sử dụng cho các dự án điện mặt trời thì hầu như không gây ảnh hưởng bất lợi cho đời sống người dân. Thêm vào đó, ai cũng biết nếu điện mặt trời (cũng như nhiều loại năng lượng sạch khác) được đầu tư mạnh, nó sẽ thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch dùng để phát điện, gián tiếp làm giảm phát thải khí nhà kính và giảm các chất gây ô nhiễm môi trường sống.
Để đạt công suất điện mặt trời đến năm 2030 như đã nêu, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận ước tính số vốn đầu tư cần thiết lên đến 110.000 tỉ đồng.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Thuận diễn ra tuần trước, trong số 36 dự án được các nhà đầu tư đặt bút ký thỏa thuận đầu tư và được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, có tới 15 dự án nhà máy điện mặt trời.
Những dự án quy mô lớn sắp đầu tư (được trao quyết định về chủ trương đầu tư) gồm các nhà máy: Eco Seido Tuy Phong (giai đoạn 1) công suất 40 MW, vốn 1.650 tỉ đồng; Nhà máy Vĩnh Hảo công suất 30 MW, vốn 1.180 tỉ đồng; VSP Bình Thuận 2 công suất 30 MW, vốn 1.180 tỉ đồng; Hồng Phong 1 công suất 130 MW, vốn đầu tư 4.920 tỉ đồng; Hồng Phong 2 công suất 120 MW, vốn đầu tư 4.560 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã ký thỏa thuận đầu tư điện mặt trời tại đây, như tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty cổ phần Việt REN, Công ty cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ, Công ty cổ phần Năng lượng Everich, Liên doanh Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á và tập đoàn Valeco (Pháp), Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai, Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai, Liên doanh tập đoàn Solar Ventures và Công ty cổ phần Clean Energy...
Danh sách các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời tại Bình Thuận có lẽ sẽ còn dài thêm trong thời gian tới khi chính quyền tỉnh này vừa công bố danh sách 50 dự án điện mặt trời được khuyến khích đầu tư từ nay cho đến cả giai đoạn sau năm 2030 tại nhiều vùng đất như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, đảo Phú Quý, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi.
Những bài học “chồng lấn” tiềm năng
Cho tới nay, yếu tố duy nhất làm nhà đầu tư điện mặt trời tạm yên tâm là giá mua điện mặt trời được Chính phủ quy định ở mức 9,35 cent/kWh. |
Bên cạnh tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời, Bình Thuận còn là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển các lĩnh vực khác với trữ lượng khoáng sản titan lớn nhất nước (600 triệu tấn), đất nông nghiệp bạt ngàn phù hợp trồng cây thanh long, đường bờ biển dài gần 200 ki lô mét rất lý tưởng để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển... Theo đó, nếu không khéo léo trong quy hoạch phát triển sẽ rất dễ dẫn tới xung đột, mâu thuẫn giữa dự án ở lĩnh vực này với dự án ở lĩnh vực kia.
Còn nhớ câu chuyện gần 10 năm trước, chủ đầu tư một dự án resort tại khu Suối Nhum, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết phải tuyên bố rút lui vì lo ngại dự án khai thác titan ở kế bên gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng hoạt động khai thác du lịch. Và cũng trên trục đường 709 ven biển từ Mũi Kê Gà đi Phan Thiết, chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng từng một thời ở vào thế khó xử khi các dự án titan “lấn sân” hàng trăm resort trên cung đường ven biển đẹp thơ mộng này.
Cũng đã từng có lúc chính quyền tỉnh này gặp khó khăn, phải tạm ngưng cấp phép đầu tư điện gió vì nhiều vùng đất có tiềm năng khai thác điện gió nằm chồng lấn với vùng có trữ lượng lớn titan. Đau xót nhất là chuyện quy hoạch và thay đổi quy hoạch cảng nước sâu Kê Gà khiến chủ đầu tư của hàng chục dự án resort tại khu vực Mũi Kê Gà phải lao đao và sự vụ âm ỉ suốt 10 năm qua cho đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Câu chuyện này đã được TBKTSG đề cập trong bài Chuyện những resort trong vùng quy hoạch cảng Kê Gà, trên số báo phát hành ngày 16/3/2017.
Một nhà đầu tư nhiều năm bôn ba trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Bình Thuận cho biết lâu nay có trường hợp nhà đầu tư yếu tiềm lực tài chính vẫn xin được dự án rồi “xí” đất nhưng lại “treo” nhiều năm không triển khai dự án, buộc chính quyền tỉnh phải tính đến việc cấp phép khai thác ở lĩnh vực kinh tế khác.
Trao đổi với TBKTSG, ông Đặng Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện mặt trời Vĩnh Hảo, cho rằng mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư điện mặt trời lúc này là sự ổn định về chính sách đất đai, quy hoạch phát triển các lĩnh vực phải rõ ràng, ổn định lâu dài. “Chẳng hạn Bình Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng sạch lớn nhất nước thì quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời cần hài hòa, chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, hệ thống đấu nối lưới điện...”, ông nói.
Cũng theo ông Sơn, cho tới nay, yếu tố duy nhất làm nhà đầu tư điện mặt trời tạm yên tâm là giá mua điện mặt trời được Chính phủ quy định ở mức 9,35 cent/kWh.
Cũng tại hội nghị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý chính quyền tỉnh Bình Thuận và các nhà đầu tư về tầm nhìn dài hạn và nâng cao chất lượng quy hoạch ngành, quy hoạch vùng nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm thế mạnh của tỉnh nhưng tránh việc các ngành kinh tế mâu thuẫn nhau, triệt tiêu nhau.
Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Đức Tiến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, thừa nhận thời gian vừa qua, các nhà đầu tư có sự e ngại bởi tình trạng đất bị chồng lấn trong quy hoạch. Do vậy, cùng với định hướng phát triển Bình Thuận thành một trung tâm năng lượng sạch (không chỉ điện gió, điện mặt trời mà cả điện khí); một trung tâm du lịch quốc tế; một trung tâm lớn về chế biến sâu titan và là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, việc giải bài toán quy hoạch chồng lấn giữa các ngành cần phải được làm sớm. Và theo lưu ý của ông Tiến, các dự án điện gió và điện mặt trời đều cần quỹ đất lớn. “Rút kinh nghiệm, khâu quy hoạch sẽ phải chặt chẽ để đảm bảo từ nay về sau không xảy ra tình trạng chồng lấn dự án nữa”, ông Tiến nói.