Nữ tiến sĩ “biến” vi tảo thành nhiên liệu sinh học

Từng đạt giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học, do L’oreal-Unesco trao cho 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân (giảng viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng) vẫn ngày đêm dành tâm sức để tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện nghiên cứu vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học để có thể đưa vào ứng dụng trong cuộc sống…

Năm 2005, Thanh Xuân trở thành nữ tiến sĩ trẻ ngành Hóa lý tại Pháp. Năm nay, bước qua tuổi 35, tiến sĩ Thanh Xuân là giảng viên của ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Cùng với công tác giảng dạy, TS Thanh Xuân dành tâm huyết, thời gian để tiếp tục phát triển đề tài nghiên cứu của mình. Đề tài nghiên cứu của TS Thanh Xuân, là việc xử lý nước thải giàu chất hữu cơ dinh dưỡng bằng việc nuôi trồng vi tảo. Vi tảo sẽ lớn và trưởng thành nhờ những chất hữu cơ dinh dưỡng trong chất thải có trong nước. Nhờ vậy, việc xử lý nước thải sẽ vô cùng thuận lợi khi nuôi vi tảo trong môi trường này.

Theo TS Xuân, vi tảo trưởng thành, đến lúc có thể thu hoạch là những sinh khối có rất nhiều “công năng”.

Theo TS Xuân, vi tảo trưởng thành, đến lúc có thể thu hoạch là những sinh khối có rất nhiều “công năng”. Cụ thể, sẽ là những sinh khối giàu lipid (có thể chế biến biodiesel), giàu protein (có thể làm thức ăn cho các loại thủy sản), hydrat carbon (chế athanol)… Chính vì vậy, không chỉ dừng nghiên cứu của mình ở việc nuôi trồng vi tảo với mục đích xử lý nước thải để bảo vệ môi trường, TS Xuân còn triển khai thêm trong nghiên cứu của mình việc nuôi trồng vi tảo tại các trang trại chăn nuôi, là nơi có nguồn nước thải, phụ phẩm giàu chất hữu cơ; đồng thời tận dụng nguồn CO2 để sử dụng khí biogas. Từ đó, sẽ làm tiền đề, mở ra triển vọng dùng khối vi tảo, chuyển hóa thành khối tảo thành diesel sinh học có chất lượng tốt, và sẽ sản xuất diesel sinh học từ tảo trên quy mô lớn nhằm mục đích thương mại hóa sản phẩm này.

Trong điều kiện  hiện nay nguồn nguyên liệu cạn kiệt, cùng sự ấm lên toàn cầu liên quan trực tiếp đến việc phát thải khí CO2, đặt nhân loại trước thách thức tìm kiếm và phát triển nguồn năng lực sạch thay thế, thì nghiên cứu của TS Xuân thực sự có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, tìm ra nguồn nguyên liệu bền vững, thân thiện với môi trường, để sản xuất biodiesel.

GS Hoàng Tụy (thành viên Hội đồng khoa học quốc gia) từng đánh giá nghiên cứu của TS Xuân là một trong những nghiên cứu thể hiện trình độ, kinh nghiệm nghiên cứu của các nhà khoa học, được đào tạo bài bản và làm việc nghiêm túc. Hiện nay, đề tài nghiên cứu của TS Xuân được xem là vô cùng phù hợp với Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TS Thanh Xuân chia sẻ, đề tài nghiên cứu về vi tảo của mình đang được triển khai tại các trang trại chăn nuôi ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nhưng chỉ mới trong phạm vi nhỏ, bởi để đề tài đưa vào thực tiễn và đi đến đích cuối cùng thì cần kinh phí rất lớn. Trong khi đó, ngoài việc được L’oreal hỗ trợ học bổng, dành để phát triển đề tài là 200 triệu đồng trong giai đoạn 2012-2014, TS Xuân đã triển khai đưa hoạt động nuôi trồng vi tảo vào các trang trại chăn nuôi ở Hòa Phú ( huyện Hòa Vang) để xử lý nước thải, và thu được thành công bước đầu. Sắp tới đây là đưa vào nuôi trồng vi tảo để xử lý nước thải tại khu thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà – Đà Nẵng).

Từ nghiên cứu đến thực tiễn là quãng đường khá xa. Để đi được đến đích cũng cần có nhiều yếu tố, như cơ hội, kinh phí và thách thức! Nhưng tôi cùng những đồng sự sẽ tiếp tục nỗ lực để đi được đến đích, bởi, nhiên liệu sinh học thực sự là nguồn nguyên liệu của tương lai!” TS Xuân tâm đắc, chia sẻ.


  • 10/03/2014 04:43
  • Hiền Diệu
  • 2221