Chỉ mới là tiềm năng
Tại hội thảo, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Tổng cục Năng lượng, cho rằng hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu năng lượng từ Trung Quốc và Lào. Và với khả năng sản xuất hiện nay và tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì dự báo từ năm 2017 trở đi, cả nước sẽ thiếu hụt lớn nguồn năng lượng sơ cấp.
Trong khi đó, các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải... Cụ thể, với gần 3.400 km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500-1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW mỗi năm.
Tổng tiềm năng lượng sinh khối của Việt Nam vào khoảng 73 triệu tấn/năm, trong đó sinh khối từ nông - lâm - ngư nghiệp là 60 triệu tấn/năm và từ rác thải khoảng 13 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng các nguồn sinh khối này để phát điện thì công suất điện ước tính có thể lên tới 5.000 MW. Tuy nhiên, do chưa được xử lý và sản xuất năng lượng nên hiện nay nguồn sinh khối này đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Qua nghiên cứu của Công ty Tư vấn năng lượng General Electric, ông Sundar Venkataraman, Giám đốc kỹ thuật, cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể tích hợp một khối lượng lớn điện gió vào hệ thống điện năng. Phát triển điện gió sẽ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu để phát điện từ 54-58 đô la Mỹ/kWh, giảm 10% lượng khí thải. Tính ổn định của hệ thống điện vận hành cũng đảm bảo.
Một số tổ chức, quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài tại hội thảo cho biết họ rất quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam với quy mô lớn. Như ông Geoffrey Tan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Đầu tư tư nhân hải ngoại (Overseas Private Investment Corporation - OPIC) có kế hoạch đầu tư khoảng 5 tỉ đô la Mỹ cho các nước phát triển nguồn năng lượng tái tạo sắp tới trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ông Mark Dunn, Giám đốc khu vực châu Á thuộc Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cho biết trong vài năm tới USTDA sẽ tiếp tục hỗ trợ và thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.
Cần hành động của Chính phủ
Theo các nhà đầu tư, trở ngại lớn nhất hiện nay là chính sách phát triển, thu xếp nguồn vốn, đặc biệt là giá bán điện. Việc chưa có văn bản quy phạm pháp luật ở mức cao (như luật, nghị định) để khuyến khích nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; chưa có chiến lược/quy hoạch cụ thể phát triển nguồn năng lượng này ở cấp quốc gia được xem là thách thức dẫn đến việc chậm triển khai các dự án đã cấp phép và thu hút đầu tư mới.
Ông Geoffrey Tan cho rằng các dự án đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam chưa có sự cam kết cao từ phía Chính phủ, môi trường pháp lý chưa hình thành đầy đủ... dẫn đến nhiều rủi ro khi đầu tư.
Tương tự, ông Gavin Smith, Giám đốc Quỹ Phát triển sạch, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, cho rằng những cấu trúc cần thiết về môi trường pháp lý, môi trường đầu tư để phát triển chưa hình thành. Do vậy, việc đầu tư có thể đắt đỏ hơn sản xuất điện thông thường, người tiêu dùng cũng phải trả giá điện cao hơn. Do đó, trong tương lai, cần có quy trình đấu thầu, nếu tổ chức tốt sẽ có được những hồ sơ thầu rất tốt. Chính phủ cũng cần bảo vệ những quyết định đã đưa ra.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng suất đầu tư nguồn năng lượng tái tạo cao so với nguồn truyền thống nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước để triển khai lại thấp hơn so với các nước trên thế giới dẫn đến việc đầu tư không mang lại hiệu quả. Giá điện gió thấp, giá điện sinh khối chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, giá điện từ pin mặt trời chưa được xây dựng… cũng là những trở ngại lớn.
Ông Daniel Potash, Giám đốc Mạng lưới tư vấn tài chính tư nhân cho các chương trình tài chính châu Á, cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID-PFAN), dự báo lĩnh vực này đầu tư tư nhân sẽ chiếm khoảng 70%. Do đó, Việt Nam cần có chính sách về giá điện gió, đồng thời nghiên cứu giải pháp để ngân hàng thương mại tham gia vào việc bảo lãnh các dự án đầu tư. Ông Daniel đề xuất Việt Nam cần có lộ trình công khai cho ngành năng lượng tái tạo ít nhất năm năm tới để có thể tận dụng nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành luật về năng lượng tái tạo, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi có tính đột phá để đẩy mạnh khai thác sử dụng các nguồn năng lượng này. Chỉ khi có được sự quan tâm thực sự của Chính phủ bằng những hành động cụ thể được luật hóa thì mới tạo ra được thị trường cho năng lượng tái tạo phát triển.
Thực tế, Việt Nam đang có bao nhiêu dự án điện tái tạo?
Đối với điện gió, hiện cả nước có 77 dự án đã đăng ký, tổng công suất trên 7.000 MW tại 18 tỉnh thành, công suất đăng ký giai đoạn 1 là 1.488 MW. Tuy nhiên hiện chỉ có ba dự án được triển khai và có điện bán vào hệ thống điện quốc gia với 48,2MW.
Nghiên cứu tại ba dự án điện gió đang hoạt động của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho thấy, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu đô la Mỹ cho 1 MW và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 đô la Mỹ cho mỗi MW. Như vậy, mức giá mua điện gió hiện nay là 7,8 cent/kWh tuy cao hơn giá bán điện bình quân của cả nước hiện chỉ là 7,2 cent/kWh nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng. Xét trên bình diện chung toàn thế giới thì giá bán điện gió ở Việt Nam thuộc dạng thấp nhất.
Điện sinh khối chủ yếu là từ bã mía. Hiện có 40 nhà máy đường sử dụng bã mía để phát nhiệt và điện. Đối với sinh khối lỏng, có khoảng 80 máy phát điện sử dụng biogas với tổng công suất gần 700 kW (bình quân 9 kW/máy) được lắp đặt phục vụ chiếu sáng và sử dụng nội bộ quy mô gia đình.
Với điện từ chất thải sinh hoạt, hiện mới chỉ có nhà máy điện đốt khí thu gom từ bãi chôn lấp rác được xây dựng tại bãi rác Gò Cát (TPHCM) với sản lượng trung bình 9 triệu kWh/năm.
Các dự án về năng lượng mặt trời thực hiện trong thời gian gần đây với công suất chưa lớn.
|