Theo các nhà khoa học, vật liệu cách nhiệt đóng vai trò rất quan trọng bởi khi trẻ nuốt pin, phản ứng hóa học xảy ra có thể gây bỏng thực quản. Đặc biệt, phần dây thanh quản và khí quản của trẻ có thể bị tổn thương, thậm chí dẫn đến tử vong dù pin có được lấy ra sau đó. Chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 3.000 ca nuốt phải pin mỗi năm.
Để đảm bảo an toàn, Tiến sĩ Jeff Karp và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và tạo ra loại pin mới, trong đó cực âm của pin được phủ một lớp dày 1 mm vật liệu gọi là QTC, chủ yếu gồm silicon và các hạt kim loại bé xíu vốn được sử dụng trong màn hình cảm ứng.
QTC khi được nén, các hạt kim loại xích lại gần nhau và dẫn điện. Nói cách khác, pin chỉ hoạt động khi có lực nén. Ngoài bề mặt được phủ lớp QTC, phần góc cạnh của pin còn được phủ một lớp keo tạo nên đặc tính chống thấm cho loại pin mới.
Trong thử nghiệm thực hiện cùng các cộng sự tại Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard, Tiến sĩ Karp cho biết loại pin mới vẫn nguyên vẹn dù được ngâm trong chất lỏng mô phỏng dịch dạ dày trong 24 tiếng. Trong khi ở thí nghiệm tương tự, loại pin thông thường cho thấy bị chập mạch và rò rỉ nặng.
Hiện tại, Tiến sĩ Karp và nhóm cộng sự đã nộp bằng sáng chế về mẫu thiết kế pin mới và thảo luận cùng một số nhà sản xuất với hy vọng có thể sớm ứng dụng vào thực tế.