Dự án có tên đầy đủ là “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”, được Chính phủ Nhật Bản tài trợ, với tổng kinh phí đầu tư là 3,6 triệu USD, được triển khai từ tháng 4/2015 – 4/2020. Trong đó, vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản chiếm khoảng 3 triệu USD, còn ngân sách của Chính phủ Việt Nam là khoảng 600 ngàn USD, tương đương với hơn 12 tỷ đồng.
Giáo sư Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết, dự án sẽ giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến xử lý nước, sử dụng chất thải hữu cơ trong các hoạt động nông nghiệp và cung cấp năng lượng tái tạo cho ngành nông nghiệp.
|
Nghiên cứu pin nhiên liệu thế hệ mới trên nền oxit rắn tại các đầm tôm Việt Nam.
|
Nhóm nghiên cứu đến từ 2 trường đại học đã đề xuất việc sử dụng bùn và rác thải hữu cơ từ các đầm nuôi tôm để sản xuất điện, dựa trên công nghệ pin nhiên liệu mới được Đại học Kyushu phát triển.
Theo Giáo sư Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano, chất thải hữu cơ tồn tại trong đáy các đầm tôm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây ra bệnh tật cho các loại tôm, cá.
Lượng chất thải này sẽ được bơm hút khỏi các đầm, cho lên men để sản xuất khí sinh học metan. Khí sinh học này sẽ được cũng cấp cho pin nhiên liệu thế hệ mới trên nền oxit rắn để sản xuất điện. Lượng điện thu được sẽ dùng để cung cấp cho chính hệ thống máy bơm nước, máy sục khí và hệ thống tuần hoàn nước tại các đầm tôm.
Với sự hỗ trợ công nghệ từ Đại học Kyushu, Việt Nam có thể phát triển mô hình trang trại nuôi tôm khép kín. Trong đó, điện và nhiệt có thể được sản xuất từ khí metan với hiệu suất lên đến 90%.
Dự án là một phần của chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ để phát triển bền vững, cũng sẽ giúp Đại học Quốc Gia TP.HCM xây dựng Phòng thí nghiệm nghiên cứu pin nhiên liệu thế hệ mới trên nền oxit rắn (SOFC) đầu tiên tại Việt Nam.