Nhóm sinh viên gồm 6 thành viên: Nguyễn Thị Diệu Huyền, Lê Thiêm Tuấn, Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Mậu Thạch, Lê Thị Hằng, và Trần Đức Hiệp.
Nhận thấy than hoạt tính là vật liệu cấu trúc xốp với khả năng hấp thụ cao nên có tác dụng khử độc tốt… Hơn nữa, than hoạt tính từ vỏ trấu là nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam, với lượng lớn thải ra hằng năm, nhiều nhà khoa học nhận định vỏ trấu nếu được tận dụng chế tạo than hoạt tính sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.
Đề tài của nhóm nghiên cứu mang tính kế thừa khi những năm trước dưới sự hướng dẫn của PGS-TS Nguyễn Văn Tư, cả nhóm đã chế tạo thành công than hoạt tính chất lượng cao từ vỏ trấu.
Trong quá trình chế tạo, nhóm nhận thấy một sản phẩm phụ là nước thủy tinh có chứa Na2SiO3, đây là chất có tác dụng ổn định bọt và đóng rắn nhanh cho xà phòng. Thay vì bỏ phí, các sinh viên đã tìm cách đưa sản phẩm phụ này ứng dụng vào sản xuất ra xà phòng nhằm đem lại lợi ích về môi trường và kinh tế.
Khác với than tre hay than gáo dừa, trấu là nguyên liệu thu được từ cây lúa, một cây có vòng đời ngắn được thu hoạch trong năm mà không cần trồng lâu như tre hoặc số lượng hạn chế như gáo dừa. Hơn nữa, trong trấu có chứa khoảng 45% SiO2 nên trong quá trình chế tạo than hoạt tính chất lượng cao sẽ có nhiều ưu điểm để sau khi tách SiO2, than sẽ có hàm lượng carbon cao và nhiều lỗ xốp có lợi cho quá trình hoạt tính sau này.
Tuy nhiên, chế tạo than hoạt tính từ trấu không hề dễ dàng bởi vì vỏ trấu mỏng, do đó quá trình cháy sẽ xảy ra nhanh hơn, khó khống chế nên hiệu quả thu hồi than thấp. Hơn nữa vỏ trấu xốp, cồng kềnh khiến năng suất chế tạo than cũng không được cao. Trong than trấu chứa nhiều SiO2 (45%), vì vậy cần phải được tách bỏ để tạo ra than hoạt tính chất lượng cao.
Dù quá trình nghiên cứu kéo dài, nhưng các thành viên trong nhóm vẫn luôn miệt mài, kiên trì với việc tận dụng nước thủy tinh và than nhỏ mịn để làm nguyên liệu trong công nghệ sản xuất xà phòng đen. Tới đầu năm 2016, cả nhóm đã bắt đầu làm và cho ra được những cục xà phòng đen.
Sản phẩm này đoạt giải Nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường đại học Bách Khoa Hà Nội 2014 đồng thời cũng giành giải Nhì trong cuộc thi Bình chọn đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên 2016 do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Để quảng bá sản phẩm, nhóm đã lập trang "Xà phòng đen - Sinh viên hướng tới môi trường - ĐHBK" trên Facebook. Nhóm đưa ra mức giá dự kiến 70.000 đồng/bánh xà phòng 70- 80 gram. Ngoài ra, nhóm còn bán than hoạt tính làm từ vỏ trấu với giá:
- 10 nghìn đồng/500g than thô BET 150m2/g
- 25 nghìn đồng/500g đã tách bỏ SiO2, BET khoảng 500m2/g
- 1 triệu đồng/100g than hoạt tính chất lượng cao BET khoảng 800m2/g
|