Sóc Trăng sẽ là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tỉnh Sóc Trăng có nhiều tiềm năng trong phát triển điện gió. Trong tương lai, Sóc Trăng sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước một khi các dự án trong lĩnh vực này được triển khai đầu tư và vận hành. Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về chủ đề này.

Thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư đến Sóc Trăng khảo sát đầu tư các dự án điện gió, điều đó chúng tỏ rằng nơi đây có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, thưa ông?

Ông Trần Văn Chuyện: Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển khoảng 72 km, không chỉ thuận lợi cho tỉnh trong phát triển ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển đường biển và phát triển du lịch…mà còn mang lại lợi thế cho Sóc Trăng trong việc phát triển năng lượng điện gió với qui mô công nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp Tập đoàn Bangchak - Thái Lan.

Theo khảo sát của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tại các vùng ven biển Sóc Trăng có tiềm năng lớn về điện gió, do bờ biển dài và rộng, sức gió nhiều và mạnh. Dựa vào các số liệu quan trắc, tại các huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, ở độ cao 60m, tốc độ gió trung bình là 6,2 m/s, nên việc đầu tư phát triển điện gió rất thuận lợi.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế khai thác lợi thế so sánh về tài nguyên gió, đất đai, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió, tăng thêm nguồn điện góp phần bảo đảm an ninh ngành năng lượng quốc gia và phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vào ngày 06/5/2014 Bộ Công Thương đã có Quyết định số 3909/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông có thể khái quát về qui hoạch này?

Ông Trần Văn Chuyện: Theo Quy hoạch khu vực tiềm năng phát triển dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có tổng diện tích 37.340 ha với tổng công suất dự kiến là 1.470 MW, gồm 3 vùng cụ thể là: Vùng 1: tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần  Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900 ha, công suất dự kiến 860 MW; vùng 2: khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500 ha, công suất dự kiến 295 MW và vùng 3: khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940 ha, công suất dự kiến 315 MW.

Tình hình thu hút đầu tư các dự án điện gió trên điện bàn tỉnh Sóc Trăng đến nay đạt được kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Trần Văn Chuyện: Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến năm 2020, giai đoạn 2 từ 2021 đến năm 2030.

Giai đoạn đến năm 2020 phát triển các dự án điện gió tại 13 vị trí với diện tích khảo sát 27.800 ha quy mô công suất 1.155 MW. Tính đến nay, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho 06 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án đầu tư điện gió tại các vị trí theo quy hoạch. Trong đó có Công ty TNHH Xây dựng Thương mại – Dịch vụ Công Lý đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Nhà máy điện gió số 1 tại vùng đất bãi bồi ven biển xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu với diện tích khảo sát là 1.200 ha, quy mô công suất 50 MW.

Tập đoàn Phú Cường đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện gió số 2, 4, 7, 8, 9 tại vùng đất bãi bồi ven biển xã Vĩnh Tân, phường 1, phường 2, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu và xã Trung Bình, huyện Trần Đề, diện tích khảo sát là 12.700 ha, quy mô công suất 560 MW.

Công ty TATA Power (Tập đoàn TATA - Ấn Độ) đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Nhà máy điện gió số 22 tại vùng đất liền xã Trung Bình và Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, diện tích khảo sát 2.600 ha, quy mô công suất 100 MW; Công ty cổ phần Phát triển kỹ thuật xây dựng đang lập hồ sơ đề nghị cấp chủ trương đầu tư tại vị trí số 5, với công suất giai đoạn 1 là 25 MW...

Bên cạnh đó, vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Green Power Petroleum và Công ty TNHH Purified Resources và Công ty TNHH Đại chúng Banpu (Thái Lan). Theo các bản thỏa thuận hợp tác, các bên nhất trí nghiên cứu, hợp tác về lĩnh vực năng lượng sạch. Việc ký kết thỏa thuận sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời tại địa phương.

Tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục mời gọi đầu tư đối với các dự án nhà máy điện gió trên địa bàn hiện chưa có chủ đầu tư.

Khi đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi và hỗ trợ như thế nào, thưa ông ?

Ông Trần Văn Chuyện: Về chính sách chung, nhà đầu tư được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh. Về chính sách ưu đãi đầu tư điện gió, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới, cụ thể là: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 7,8 UScents/kWh).

Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD; Nhà nước hỗ trợ giá điện cho bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh (tương đương 1,0 UScents/kWh) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.

Tỉnh Sóc Trăng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khi tiếp cận, khảo sát, lập dự án cho đến khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có các dự án đầu tư nhà máy điện gió.

Xin cảm ơn ông! 


  • 24/01/2017 09:54
  • Theo Báo Đầu tư
  • 2108