Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCMC), trong chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, chi phí năng lượng, đặc biệt là điện năng xếp thứ 3, chỉ sau chi phí nguyên liệu và công lao động. Riêng lĩnh vực nuôi tôm, chi phí năng lượng chiếm hơn 9% tổng chi phí.
Thực tế tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản, mức tiêu thụ điện trung bình cho các hoạt động chế biến thủy sản dao động từ 57 - 2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 324 - 4.412 kWh/tấn sản phẩm; trong đó, mức tiêu thụ điện cho hệ thống đông lạnh là lớn nhất, chiếm tới 70%.
Những tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt tại Nhà máy đông lạnh thủy sản IDI .
|
Thời gian qua, với sự tư vấn, hỗ trợ của ngành Điện, các doanh nghiệp thủy sản đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, các giải pháp này mới chỉ chủ yếu tập trung vào khâu ánh sáng, điều hòa không khí...; trong khi đó, năng lượng phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản kho lạnh mới chiếm tỉ trọng đáng kể.
Tại Hội thảo về sử dụng điện mặt trời áp mái cho các kho lạnh và lĩnh vực chế biến thủy hải sản Việt Nam mới đây, các chuyên gia quốc tế đến từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết, một trong những giải pháp hữu hiệu là sử dụng năng lượng điện mặt trời. Các doanh nghiệp có thể tận dụng mái nhà xưởng, tòa nhà văn phòng, thậm chí là bãi xe... lắp đặt tấm pin mặt trời. Điều này không những giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí CO2, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, mà còn tận dụng năng lượng mặt trời cung cấp nguồn điện cho sản xuất.
Điều quan trọng là hiện nay, chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đang ngày càng rẻ hơn. Đặc biệt, khu vực miền Trung (từ Quảng Trị đến Phú Yên) và miền Nam - nơi ngành chế biến thủy hải sản phát triển mạnh, lại có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Riêng khu vực miền Nam, nắng quanh năm, nhất là trong các tháng 1, 3, 4 thường có nắng từ 7h sáng đến 17h. Cường độ bức xạ trung bình thường lớn hơn 3,489 kcal/m2/ngày, rất phù hợp để phát triển điện mặt trời áp mái.