5 năm: Tiết kiệm 5,65% tổng năng lượng tiêu thụ
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ năm 2011, sau 5 năm đi vào cuộc sống, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã phát huy tác dụng. Đến nay, đã có hơn 85% dân số biết và hiểu về lợi ích của tiết kiệm năng lượng (TKNL), nhận biết nhãn năng lượng và các thiết bị TKNL.
Tỉ lệ TKNL cộng dồn giai đoạn 2011-2015 đạt 5,65%, tương đương với việc tiết kiệm trên 11 triệu tấn dầu quy đổi. Trong đó, mức độ tiêu thụ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đều giảm dần. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã đưa ra khỏi Quy hoạch sản xuất xi măng 14 dự án (chủ yếu là những dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo môi trường, lãng phí nhiên liệu), hoãn triển khai 9 dự án, giãn tiến độ 5 dự án.
Trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn là doanh nghiệp đi đầu trong các hoạt động tiết kiệm năng lượng - Ảnh: Thành Trung.
|
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động TKNL, ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về TKNL nói chung, tiết kiệm điện nói riêng bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, huy động được các thành phần kinh tế, nhiều tổ chức và cá nhân cùng tham gia. Qua 5 năm thực hiện, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 11,22%, thấp hơn so với Tổng sơ đồ điện VII dự báo là 14,1%, tiết kiệm 1,5 tỷ kWh/năm (chỉ tính riêng các chương trình do EVN thực hiện).
Đặc biệt, chương trình quảng bá bình nước nóng năng lượng mặt trời do EVN và Bộ Công Thương phát động đã có tác động rất lớn đến việc kích cầu thị trường. Tính đến cuối năm 2015, đã có hơn 700.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình đã được lắp đặt và sử dụng trên cả nước, TKNL khoảng 1 tỉ kWh/năm, tương đương với tiền tiết kiệm điện 1.600 tỷ đồng/năm...
Trách nhiệm người đứng đầu
Mặc dù đã thu được những kết quả nhất định, song theo đánh giá của Tổng cục Năng lượng, việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân, các văn bản quy phạm pháp luật chưa sát với thực tiễn, chưa tạo ra môi trường hỗ trợ tốt cho các chủ thể sử dụng năng lượng trong việc TKNL; các chính sách hỗ trợ về tài chính đối với tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực TKNL còn thiếu và chưa đồng bộ...
Ngoài ra, nhiều cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa xây dựng mô hình quản lý năng lượng, chưa tiến hành kiểm toán năng lượng, trốn tránh trách nhiệm theo quy định tại Luật Điện lực hoặc thực hiện một cách hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước chưa thực sự sát sao; sự phối hợp giữa Sở Công Thương và các sở, ngành tại địa phương còn lúng túng, thiếu đồng bộ trong việc thanh tra, kiểm tra...
Cùng với đó, giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng ở nước ta còn tương đối thấp so với khu vực và thế giới cũng làm ảnh hưởng đến động lực TKNL của khách hàng sử dụng điện. “Giá năng lượng thấp đang là một rào cản cho việc triển khai các giải pháp TKNL, làm giảm hiệu quả kinh tế, giảm động lực của doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Đỗ Đức Quân cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, sắp tới, các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng. Cụ thể, Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2017 và dự kiến sẽ nhập khí hóa lỏng từ năm 2023. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai đang là vấn đề hết sức cấp bách.
“Bên cạnh đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một sức ép cũng là một thách thức lớn. Do vậy, cùng với việc thay đổi cơ cấu các nguồn năng lượng, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, cần phải đẩy mạnh công tác tiết kiệm năng lượng - giải pháp hiệu quả và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương và các địa phương cần tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung nội dung Luật cũng như các văn bản dưới luật; tiếp tục điều chỉnh theo hướng tập trung trách nhiệm quản lý, giám sát. Với chủ thể sử dụng năng lượng phải tăng tính bắt buộc, tuân thủ quy định của Luật. Đặc biệt, những hộ trọng điểm lớn tiêu hao nhiều năng lượng vừa phải đổi mới công nghệ vừa phải sử dụng năng lượng tiết kiệm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Hiện nay, khi giá thành năng lượng tái tạo còn cao, chưa có khả năng cạnh tranh với các dạng năng lượng hóa thạch, thì việc tăng cường các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách, cần ưu tiên thực hiện.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá bán điện hợp lý, đặc biệt giảm dần việc trợ giá, bù giá chéo trong biểu giá bán lẻ điện. Cùng với đó, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc TKNL; quy định trách nhiệm giám sát, đánh giá và báo cáo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để mỗi người dân luôn có ý thức, luôn thực hành TKNL trong mọi thời điểm.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
Thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 17/6/2010.
Có hiệu lực thi hành: Ngày 01/01/2011.
Một số kết quả nổi bật trong công tác TKNL giai đoạn 2011-2015:
85% người dân biết và hiểu về TKNL thông qua truyền thông cộng đồng;
100% loại hình truyền thông tham gia tuyên truyền về TKNL;
100% đài phát thanh - truyền hình 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các hoạt động tuyên truyền về TKNL;
Cường độ tiêu thụ năng lượng các ngành công nghiệp giảm mạnh:
- Ngành Thép giảm 8,09%;
- Ngành Xi măng giảm 6,33%;
- Ngành Dệt sợi giảm 7,32%.
|