“Thuận thiên” trước biến đổi khí hậu: ĐBSCL sẽ xuất khẩu điện

Từ vùng đất thường xuyên bị cúp điện vào mùa hạn, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và có khả năng xuất khẩu điện từ những dự án điện tái tạo, điện khí, nhiệt điện đang triển khai.

Biến nắng, gió thành điện

ĐBSCL chia ra làm hai mùa mưa nắng. Trước diễn biến của biến đổi khí hậu, khu vực này ngày càng nóng và kéo dài trong năm. Trung bình hàng năm ĐBSCL nhận 2.200 - 2.500 giờ nắng nên tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời rất lớn.

Bên cạnh đó, vùng này có đường bờ biển và các hải đảo với chiều dài khoảng 700km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000km2, điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 - 6 m/giây ở độ cao 80m nên có tiềm năng khai thác năng lượng gió đạt từ 1.200 - 1.500MW.

Năng lượng gió là một thế mạnh của ĐBSCL - Ảnh: Thành Trung.

Nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL đã quy hoạch phát triển nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời công suất lớn. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 120 ra đời, các tỉnh ĐBSCL đều xác định phát triển năng lượng làm mục tiêu tăng trưởng.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bạc Liêu đang triển khai thi công 9 dự án điện gió với tổng công suất 562MW, đang kiến nghị xin bổ sung thêm 2 dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Còn lại đề nghị đưa vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 9.140,6MW để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD đang được gấp rút triển khai”.

Tỉnh Sóc Trăng quy hoạch đến 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.435MW. Các dự án này đang triển khai khởi công, dự kiến đến tháng 10.2021 đưa vào vận hành 8 dự án, còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm 2022 - 2023. Ông Lê Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tỉnh cùng với nhà đầu tư đang triển khai các đường dây truyền tải điện để phục vụ các dự án điện gió, điện mặt trời”.

Tại Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre các dự án điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi cũng đang được gấp rút triển khai thực hiện.

Bên cạnh điện gió, các tỉnh ĐBSCL cũng “tận dụng” cái nắng cháy da để xây dựng phát triển năng lượng mặt trời. Điển hình như tỉnh Trà Vinh, Dự án điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh với tổng công suất 140MW đã vận hành thương mại vào năm 2019.

Tại An Giang, đang có 10 dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 780MWp…

Sẽ là trung tâm năng lượng

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm nhiệt điện khí của cả nước. Từ khi vận hành vào tháng 5.2007 đến nay, những Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 đã cung cấp 84 tỉ kWh điện, tổng doanh thu đạt hơn 117.000 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn 2.900 tỉ đồng.

Cà Mau cũng triển khai thêm 2 dự án nhiệt điện khí mới là Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 3, công suất 1.500MW và dự án nhiệt điện khí đầu tư nước ngoài công suất 3.000MW.

Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến năm 2035, toàn khu vực ĐBSCL sẽ có trên 68.600MW tiềm năng điện gió và hơn 31.500MW tiềm năng điện mặt trời.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: Các dự án điện đang quy hoạch tại ĐBSCL, nếu triển khai tốt sẽ là nơi cung cấp điện cho các vùng, miền khác.

Link gốc


  • 19/03/2021 03:01
  • Nguồn: laodong.vn
  • 917