Chiến dịch “công sở mát mẻ”
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng tại Nhật Bản. Hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới liên tiếp xảy ra vào năm 1973 và 1979, càng làm cho nhu cầu năng lượng của đất nước Mặt trời mọc trở lên bức thiết.
|
Buổi tối nhiều bảng quảng cáo ngoài trời trên một tuyến phố lớn ở thành phố Osaka (Nhật Bản) không hoạt động nhằm tiết kiệm điện - Ảnh: Anh Tú |
Nhận thấy sự yếu kém trong cán cân cung cầu năng lượng quốc gia, năm 1979, Thủ tướng Masayoshi Ohira đã kêu gọi người dân mặc thoáng hơn khi đến công sở. Với các poster cổ động, tuyên truyền, chiến dịch “công sở mát mẻ” đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân. Thủ tướng Masayoshi Ohira là một trong số những người đầu tiên thực hiện. Chính phủ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Tsutomu Hata lại tiếp tục phát động chiến dịch này trong vòng 64 ngày, vào năm 1994.
Chiến dịch “Cool Biz” (công sở mát mẻ) do Thủ tướng Koizumi phát động vào mùa hè năm 2005 khuyến khích nhân viên ăn mặc quần áo đơn giản, mát mẻ để giảm sử dụng điều hoà. Sau năm đầu tiên thực hiện, Nhật Bản đã cắt giảm được 460.000 tấn khí thải carbon dioxide, tương đương lượng khí thải của 1 triệu hộ gia đình thải ra trong mỗi tháng.
Là quốc gia nổi tiếng với các hãng sản xuất điều hòa lớn, nhưng Nhật Bản vẫn rất khắt khe trong việc sử dụng điều hòa nơi công sở. Năm 2012, Nhật Bản đã thực hiện chiến dịch “Super Cool Biz” (Siêu hạ nhiệt) bằng các poster cổ động, tuyên truyền. Theo tính toán, nếu tất cả các công sở đều để nhiệt độ của điều hòa từ 280C trở lên sẽ giúp tiết kiệm được 306,18 triệu tấn dầu trong mùa hè. Ngoài ra, việc giảm điều hòa xuống 10C cũng giúp làm giảm từ 9 – 13 triệu tấn khí thải độc hại.
Kinh phí thấp, nhưng hiệu quả vẫn cao…
Người Nhật vốn nổi tiếng về tính kỷ luật và ý thức tự giác cao. Chính phủ Nhật Bản đã biến lợi thế đó thành con “át chủ bài” trong công tác tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện. Các chiến dịch vận động và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng rất đa dạng, linh hoạt được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông như: Phát động ngày bảo tồn năng lượng, tháng bảo tồn năng lượng, hội chợ triển lãm… Nhiều chiến dịch rất đơn giản, kinh phí thấp nhưng đã mang lại hiệu quả cao, ví dụ như: Trao danh hiệu “Nhóm trừ 6” cho những công dân “hiến kế” giúp thành phố Kyoto giảm bớt 6% khí thải nhà kính, hoặc chương trình lái xe sinh thái, khuyến khích tắt động cơ khi xe dừng lại trước đèn đỏ…
Nhật Bản còn giới thiệu những thông tin cần thiết liên quan đến sử dụng điện thông qua bộ truyện tranh “The Manga Guide to electricity”. Với hình ảnh đẹp, lời thoại ngắn gọn, dễ hiểu, cốt truyện hấp dẫn... cuốn truyện tranh được coi là “món ăn tinh thần” giúp người đọc có được những khái niệm cơ bản nhất về kĩ thuật điện như, điện là gì, mạch điện là gì, làm thế nào để tạo ra điện…. Từ đó, giáo dục ý thức tiết kiệm điện cho người đọc.
|
Các thành phố ở Nhật cắt điện luân phiên để tiết kiệm năng lượng - Ảnh: AFP |
Ngay từ bé, trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục thực hiện tiết kiệm năng lượng như, dùng màn che nắng, trồng cây để mát nhà; thay vì bật tối đa công suất tủ lạnh, cần đưa về mức trung bình; lúc ngủ tắt tivi, rút dây điện ra khỏi ổ cắm… Mục đích cuối cùng là hình thành thói quen, để hành vi tiết kiệm điện “ngấm” vào “da thịt” trẻ.
Công nghệ hiện đại và…
Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản được thành lập từ rất sớm (năm 1978) với nhiệm vụ cung cấp các thông tin liên quan thông qua các phương tiện khác nhau (kể cả thư điện tử) bao gồm: Thông tin về nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các nghiên cứu điển hình, hướng dẫn cho các nhà máy, cao ốc, hộ gia đình… sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Hằng năm, Trung tâm Bảo tồn năng lượng kết hợp với một số tổ chức của Chính phủ tổ chức nhiều chương trình với giải thưởng khác nhau dành cho các cơ quan, nhà máy, tòa nhà cao tầng, kỹ sư và kỹ thuật viên, các thiết bị, sản phẩm và dự án có thành tích nổi bật trong công tác bảo tồn năng lượng.
Công tác quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, công nghệ và thiết bị tiết kiệm năng lượng tốt nhất được thực hiện thông qua Hội chợ triển lãm Môi trường & Năng lượng (ENEX Nhật Bản). Đây là nơi gặp gỡ của các công ty trong nước đang hoạt động hoặc có liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, hằng năm, Nhật Bản còn tổ chức các hội nghị năng lượng quốc gia và quốc tế . Hơn tất cả, tiết kiệm điện đã được xem là vấn đề đạo đức trong giới chức Chính phủ cũng như người dân Nhật Bản. Tính tự nguyện và sự nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy định của Chính phủ về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm,hiệu quả trong toàn xã hội đã đưa Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.