Con số này ước tính tương đương 3,4% tổng lượng điện tiêu thụ. Tuy nhiên, thời gian tới chúng ta tiếp tục phải tiết kiệm điện (TKĐ) hơn nữa, mà tiềm năng tiết kiệm theo các chuyên gia đánh giá còn rất lớn, bởi việc sử dụng điện trong sản xuất, sinh hoạt ở nước ta còn lãng phí.
Lợi ích thiết thực
Công ty CP Thép Việt (Pomina 2) đặt tại KCN Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là doanh nghiệp đầu tư 100% trong nước bằng công nghệ hiện đại với mục tiêu đặt ra giảm tiêu hao điện năng trên 1 tấn sản phẩm. Ông Trịnh Văn Nam - Trưởng ban quản lý dự án Thép Pomina 2 cho biết: Với các dây chuyền thép thông thường, sản xuất 1 tấn thép tiêu hao khoảng trên 600 kWh điện, nhưng với dây chuyền Pomina 2, chỉ mất từ 450-500 kWh điện/tấn thép, tiết kiệm khoảng 20% chi phí điện năng. Sản xuất mới 75% công suất thiết kế, nhưng 7 tháng đầu năm đã tiết kiêm được hàng chục triệu đồng tiền điện.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có kinh phí đầu tư ban đầu lớn, chỉ cần sắp xếp dây chuyền công nghệ hợp lý, hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm, tăng số giờ thấp điểm, sử dụng máy biến tần… là những biện pháp được các DN vừa và nhỏ tận dụng tối đa.
Bắt đầu từ cuối năm 2007, Công ty Sản xuất Chế biến Thủy sản Đông lạnh Havico - đặt tại KCN Đông Xuyên (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu thực hiện kiểm toán năng lượng. Công ty đã thực hiện các giải pháp đồng bộ như tắt các máy không cần thiết trong giờ cao điểm; cải tạo hệ thống điện, hệ thống làm lạnh… Kết quả là sau mỗi năm, lượng điện năng tiêu thụ giảm dần. Năm 2010, suất tiêu thụ điện giảm tới 22,07% so với năm 2009.
Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt tại khách sạn Palace
|
Nếu chỉ từ năm 2010 trở về trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Cạnh tranh châu Á, khảo sát trên 300 doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong quý II và quý III/2010, thì phần lớn DN chưa quan tâm nhiều tới việc TKĐ. Kết quả 25% DN được hỏi thừa nhận không thể TKĐ được. Khoảng 20% số DN khẳng định sẽ TKĐ để giảm chi phí sản xuất, song chi phí để đầu tư máy móc, thiết bị ban đầu không nhỏ. Thiếu vốn, thiếu công nghệ sản xuất hiện đang là vướng mắc lớn với các DN có quy mô vừa và nhỏ.
Theo Chánh Văn phòng Tiết kiệm Năng lượng (Bộ Công Thương) Nguyễn Đình Hiệp: Giai đoạn 2006-2010, Văn phòng đã phối hợp với các bộ, ngành, DN triển khai đồng bộ 6 nhóm nội dung tiết kiệm năng lượng, kết quả là trong giai đoạn 1 của chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản lượng điện tiết kiệm của các tỉnh, thành phố đã đạt trên 4,039 tỉ kWh, bằng 1,4% tổng lượng điện thương phẩm, tập trung vào lĩnh vực cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt - dịch vụ. Riêng năm 2010, cả nước tiết kiệm được trên 1,1 triệu kWh, tăng 42% so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, hiệu quả xã hội từ các chương trình hỗ trợ hộ dân sử dụng bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact; hỗ trợ sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời; hỗ trợ DN quảng bá sử dụng tuýt gầy T8 và chấn lưu điện tử… đã tạo thành ý thức, thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người tiêu dùng. Kết quả cho thấy tỉ lệ tổn thất điện năng giảm dần qua các năm. Thống kê từ 2005-2009, tỉ lệ tổn thất đã giảm từ 11,78%/năm 2005 xuống còn 8,91% năm 2009, lượng điện tiết kiệm tương đương 2,12 tỉ kWh, tiết kiệm trên 2.000 tỉ đồng chi phí phát điện.
Biện pháp giảm thiếu điện
Phó TGĐ EVN Nguyễn Tấn Lộc, cho rằng, hiện mỗi năm ngành Điện phải đầu tư nguồn và lưới truyền tải ước tính lên tới 3-4 tỉ USD để đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải từ 14-15%/năm. Trong khi đó, giai đoạn này, tốc độ tăng trrưởng GDP chỉ khoảng 6-7%/năm. Điều này cho thấy, việc sử dụng năng lượng của nền kinh tế chưa hiệu quả.
Để tăng trưởng 1% GDP, các nước trong khu vực chỉ tăng 1% sản lượng điện thương phẩm, thậm chí chỉ 0,8%, trong khi ở VN luôn luôn là gấp đôi (2%). Hiện lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực có tiềm năng TKĐ lớn nhất, nhưng cũng khó thực hiện nhất, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Nguyên nhân là phần lớn các DN đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, nhận thức của chủ DN còn hạn chế; kinh phí và vốn đầu tư để thay thế, cải tiến về công nghệ là vấn đề khó khăn và cần có thời gian.
Bên cạnh đó, TKĐ trong khối văn phòng, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thụ hưởng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách chưa thực sự có chuyển biến, nặng về hình thức và không được kiểm tra, giám sát thường xuyên, thiếu chế tài gắn với trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị.
Việc thực hiện TKĐ trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng cũng còn gặp nhiều khó khăn do yêu cầu về an ninh, trật tự xã hội, giao thông đô thị và du lịch. Tuy vận động quảng bá cho các loại sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao nhưng trong thực tế lại chưa có biện pháp hiệu quả hạn chế một số DN tiếp tục sản xuất, tiêu thụ ở trong nước với số lượng lớn các loại đèn tròn sợi đốt, đèn huỳnh quang T10 vốn tiêu tốn điện năng.
Để đảm bảo việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác đối với từng đối tượng sử dụng điện, theo Bộ Công Thương, trước năm 2011 cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Bộ Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của địa phương, coi tiết kiệm năng lượng là trách nhiệm và nghĩa vụ, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.