Cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng lần 1 năm 2011”: Tiết kiệm năng lượng không là câu chuyện xa vời

Với hơn 80 sản phẩm, mô hình, ý tưởng dự thi, cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng lần 1 năm 2011” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM tổ chức vừa khép lại với một thông điệp: Tiết kiệm năng lượng không là câu chuyện xa vời và cũng không phân biệt tuổi tác.

Chủ nhân các ý tưởng, sản phẩm, mô hình có thể là học sinh THCS, sinh viên, tiến sĩ hay nhân viên văn phòng...

Hà Hiếu Nghĩa, Đinh Thị Kim Cương (học sinh Trường THCS Hưng Phú A, Q.8, TP.HCM): Thấy xe cộ hỗn loạn và suy nghĩ...

Nhiều lần đi xe cùng bố mẹ, Kim Cương (học sinh lớp 9) nhận thấy mỗi lần cúp điện, đèn tín hiệu giao thông bị tắt, xe cộ trở nên hỗn loạn. Liệu đèn tín hiệu giao thông có thể dùng năng lượng mặt trời? Mang “nỗi niềm” này chia sẻ với người bạn cùng lớp là Hà Hiếu Nghĩa, Kim Cương nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.

 

Hai học sinh Đinh Thị Kim Cương và Hà Hiếu Nghĩa bên mô hình “Đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời”.

 

Vậy là nhân hội thi “Chìa khóa vạn năng” có chủ đề môi trường và giao thông ở Q.8, TP.HCM (diễn ra tháng 3 và 4/2011), Hiếu Nghĩa và Kim Cương quyết định thực hiện mô hình đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời. Sau gần hai tháng thực hiện với sự giúp đỡ của thầy cô cộng thêm những kiến thức các em tự nghiên cứu về năng lượng mặt trời, mô hình đã đoạt giải Nhất.

Mô hình này sử dụng pin năng lượng mặt trời để hấp thu ánh sáng, cung cấp điện năng cho đèn giao thông. Phía dưới là ổn áp để điện năng được cung cấp đều đặn. Điện năng từ ổn áp một phần cung cấp cho đèn, phần còn lại sẽ chuyển tải đến bình ăcquy đặt dưới ổn áp để tích trữ điện. Vào ban đêm, khi không còn ánh mặt trời nữa thì năng lượng vào ban ngày không dùng và điện tích trữ sẽ được đem ra cung cấp cho đèn giao thông.

Được sự động viên của quận đoàn và nhà trường, Kim Cương và Hiếu Nghĩa tiếp tục hoàn thiện hơn về cấu trúc hoạt động của mô hình và dự thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng lần 1 năm 2011”, hai em “rinh” ngay giải khuyến khích.

Kim Cương cho biết: “Chúng em mong rằng trong một ngày gần nhất, việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ trở nên phổ biến, không chỉ áp dụng vào đèn tín hiệu giao thông mà còn trong nhiều sản phẩm khác”.

 

Dương Thị Thanh Thủy - nhân viên Công ty cổ phần Khách sạn Dầu khí PTSC: Biến nước thải nhà hàng thành nhiên liệu

Trăn trở khi nhận thấy lượng dầu mỡ trong nước thải của các nhà hàng, khách sạn gây khó khăn cho việc xử lý nước thải và các nguồn nhiên liệu đang ngày càng cạn kiệt, chị Dương Thị Thanh Thủy đã dành thời gian cho công trình “Nghiên cứu tái chế dầu mỡ từ nước thải nhà hàng, khách sạn làm nhiên liệu sinh học”.

Lượng dầu mỡ lấy từ bể chứa dầu mỡ thải của các nhà hàng, khách sạn được đun nóng đến 60 độ C, sau đó khuấy trộn với hỗn hợp methanol và xúc tác NaOH trong 90 phút. Hỗn hợp này được để lắng trong ba giờ sẽ phân thành hai lớp, chiết tách lấy lớp màu vàng nhẹ phía trên rồi đem trung hòa với acid acetic. Sau khi trung hòa, tiến hành rửa hỗn hợp bằng nước (nước ở nhiệt độ 60 độ C). Sau khi rửa xong, sử dụng một số chất phụ gia để làm sạch sản phẩm và sẽ thu được biodiesel.

Một chi tiết góp phần giúp Thanh Thủy thuyết phục ban giám khảo là chị đã giới thiệu đến ban giám khảo phiếu kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam về nhiên liệu sinh học do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện. Bên cạnh đó, Thanh Thủy còn đưa ra phương án tính toán thiết kế xây dựng nhà máy xử lý khá chi tiết.

Dương Thị Thanh Thủy cho biết: “Vì chi phí triển khai đề tài này trong thực tế khá cao, nên tôi hi vọng sẽ tìm được các nhà tài trợ, đặc biệt là sau thành công tại cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng lần 1 năm 2011”. Một nhà máy tái chế dầu mỡ từ nước thải nhà hàng, khách sạn thành nhiên liệu sinh học là ước mơ của tôi”.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, sinh viên Trần Bá Trung (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Vừa rẻ vừa tiện

 

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải thuyết trình về sản phẩm “Bộ thí nghiệm đa năng dùng HDL-9000 trong đào tạo và thực nghiệm lập trình điều khiển phun xăng điện tử tiết kiệm nhiên liệu”

Trước khi “cạnh tranh” cùng các sản phẩm, ý tưởng khác trong cuộc thi, sản phẩm “Bộ thí nghiệm đa năng dùng HDL-9000 trong đào tạo và thực nghiệm lập trình điều khiển phun xăng điện tử tiết kiệm nhiên liệu” của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải và sinh viên Trần Bá Trung đã được chuyển giao, trở thành phương tiện học tập, giảng dạy tại nhiều trường có ngành ôtô, cơ điện tử, đo lường, vật lý ứng dụng... trên cả nước. Sản phẩm này cũng là một phần nội dung học trong “Khóa học 1 đôla” do tiến sĩ Nguyễn Bá Hải giảng dạy.

Bộ thí nghiệm đa năng HDL-9000 là gói giải pháp toàn diện, nhỏ gọn (có thể cầm tay), bao gồm bộ thí nghiệm đa năng HDL-9000, phần mềm trực quan tiếng Việt (dùng với LabVIEW), thư viện bài giảng điện tử kèm theo, thư viện ví dụ mẫu (điều khiển ôtô từ xa, Mobile robot...), gói đào tạo miễn phí đi kèm.

Với sản phẩm này, giảng viên có thể xây dựng bài giảng tích hợp cả đa phương tiện và thiết bị phần cứng thật và phần mềm mô phỏng trên máy tính. Bộ thí nghiệm có giá thành khoảng 1.500 USD - thấp hơn khoảng 10 lần so với bộ thí nghiệm ngoại nhập có tính năng tương đương.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết: “Sắp tới, bộ thí nghiệm đa năng HDL-9000 cho phép người dùng chia sẻ các ứng dụng thông qua website labview.hocdelam.org. Bên cạnh đó, tháng 9/2011 bộ thí nghiệm sẽ có phiên bản cao cấp với tốc độ cao giao tiếp qua cổng USB và PCI, phục vụ các thí nghiệm đo lường và điều khiển đòi hỏi độ chính xác cao và khắt khe hơn”.

 

Lê Tấn Phúc (sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM): Thương người chăn nuôi khi mùa khô đến

Lê Tấn Phúc bên sản phẩm “Máy ấp trứng tự động sử dụng năng lượng mặt trời”

Sản phẩm “Máy ấp trứng tự động sử dụng năng lượng mặt trời” đã mang về cho Lê Tấn Phúc (sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM) giải Nhì cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng lần 1 năm 2011”. Chàng sinh viên bộ môn điều khiển tự động này vẫn đang miệt mài tìm cách cải thiện sản phẩm của mình với hi vọng một ngày không xa, chiếc máy ấp trứng tự động sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giúp ích cho người chăn nuôi, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa chưa có mạng lưới điện.

Tuy nhiên, khó khăn của Phúc khi thực hiện ý tưởng này vẫn là... chi phí. Để tìm được tấm pin năng lượng mặt trời vừa túi tiền, Phúc đã phải lùng mua những tấm pin cũ ở một cửa hàng tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Nhờ vậy, chiếc máy ấp của Phúc chỉ tốn khoảng 12 triệu đồng - lấy từ tiền học bổng và trợ giúp của gia đình - thay vì gần 20 triệu đồng nếu sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu mới.

Tuy nhiên, nhận thấy pin năng lượng mặt trời hiệu suất không cao, nhưng giá lại đắt nên Phúc nghiên cứu sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời để làm nguồn nhiệt. Kết quả là sau nhiều thử nghiệm, chiếc máy có thể làm việc hơn 14 giờ không cần ánh sáng mặt trời, tiết kiệm hơn 90% điện năng. Nhiệt độ bên trong buồng ấp vẫn đảm bảo ổn định ở mức 37,5 độ C với tỉ lệ trứng nở đạt trên 85%, cao hơn một số loại máy ấp sử dụng điện thông thường.

 

 


  • 25/08/2011 04:43
  • Theo Tuổi trẻ
  • 2318


Gửi nhận xét