Điện về bản. Ảnh minh họa
Là một bản miền núi thuộc tỉnh Quảng Bình, người dân Bản 61,xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình chủ yếu là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, kinh tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do địa hình đồi núi, đi lại khó khăn, cộng với thiên tai, lũ lụt liên miên, nhiều năm nay, người dân Bản 61 vẫn chưa được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia. Cái nghèo, cái khó đã khiến cho những con chữ không được ghi nhớ lâu, mà cứ rơi vãi dần trên nương, trên rẫy. Cái nghèo, cái khó đã khiến cho người dân quanh ra quanh vào với nỗi lo ngày 3 bữa. Cái nghèo, cái khó đã khiến thanh niên bản chỉ biết trông chờ những hoạt động giải trí, giao lưu với cuộc sống bên ngoài qua những dịp lễ hội ít ỏi đầu năm…
Nhận thức được những khó khăn ấy, tháng 3/2010, UBND tỉnh Quảng Bình, Quỹ Schneider Electric, Quỹ Suez và Công ty Schneider Electric Việt Nam đã ký kết bản thỏa thuận thiết kế, xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống trạm điện năng lượng mặt trời tại vùng đất giáp ranh với biên giới Việt – Lào này. Chia sẻ về dự án, ông Bernard Saincy - Giám đốc Quỹ Suez chia sẻ: “Nguồn năng lượng mới và dự án mới được triển khai này sẽ đem lại nguồn điện với mức giá hợp lý và sự phát triển bền vững cho cả khu vực.”
Dự án có tổng chi phí đầu tư ban đầu 160.000 USD, sau 6 tháng triển khai xây dựng, tháng 11/2010, hệ thống được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2010. Mục tiêu của dự án là mang lại nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững cho những địa phương vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam. Với công suất 11 kW, hệ thống điện mặt trời sẽ cung cấp đủ điện dùng hàng ngày cho người dân, trường học, bộ đội và hải quan đóng trên địa bàn. Trong tương lai, hệ thống này có thể kết nối với lưới điện EVN. Đây cũng là dự án điện mặt trời thương mại đầu tiên của Việt Nam.
Trong quá trình triển khai, dự án gặp phải không ít khó khăn. Trước hết là do địa hình đồi núi, phương tiện giao thông ít, những người thực hiện dự án phải mất đến 10 tiếng đồng hồ cho đoạn đường 126 km từ Đồng Hới đến bản. Đến được bản rồi, việc thuyết phục những người dân chưa bao giờ biết thế nào là điện để họ đồng thuận thực hiện một dự án thương mại với một nguồn điện mới - điện mặt trời - lại càng khó khăn hơn. Nhưng rồi nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của UBND tỉnh Quảng Bình, của lực lượng bộ đội, hải quan đóng quân tại bản; nhờ sự đồng thuận của người dân, cuối năm 2010, dự án đã hoàn thành trong niềm hân hoan của dân bản.
Bắt đầu từ năm 2011, việc thu tiền bán điện từ người sử dụng được thực hiện nhằm hoàn phí đầu tư ban đầu trong thời hạn 15 năm và tái đầu tư cho các dự án sau đó sẽ được triển khai tiếp tục tại Quảng Bình. Không những quan tâm đến việc đầu tư nguồn điện, dự án này còn xây dựng một chương trình nhằm phổ biến cho người dân những kiến thức nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường. Cụ thể, để hỗ trợ người dân tăng khả năng kinh tế và có khả năng trả hoá đơn điện hàng tháng, Công ty Schneider Electric Việt Nam triển khai các chương trình hỗ trợ bao gồm đào tạo/giáo dục để gia tăng kiến thức về điện và biết cách sử dụng điện một cách thông minh nhất; Cho người dân địa phương vay vốn mua thiết bị điện, tạo cơ hội việc làm để gia tăng nguồn thu nhập. Kết quả thành công sẽ không chỉ khẳng định tính bền vững của dự án mà còn là kiểu mẫu cho những dự án tương tự có thể triển khai với cùng phương pháp (từ các khoản vay không lãi).
“Thành công của dự án này sẽ là động lực khuyến khích chúng tôi triển khai rộng hơn mô hình này ra các vùng khác của Việt Nam. Bên cạnh việc tạo ra nguồn năng lượng xanh và sạch, chúng tôi cũng hy vọng dự án này sẽ đem đến cho người dân nơi đây cơ hội cải thiện điều kiện kinh tế, văn hoá và xã hội” - ông Olivier Jacquet, Tổng giám đốc Công ty Schneider Electric Việt Nam - Campuchia nói.
Dự án xây dựng hệ thống trạm điện năng lượng mặt trời là một phần của chương trình Bip-Bop, một hành động vì cộng đồng của Schneider Electric nhằm mang lại nguồn năng lượng xanh, sạch, an toàn và bền vững tới 1,6 tỉ người trên toàn thế giới. Đây là dự án Bip-Bop đầu tiên của Schneider Electric tại Việt Nam và từ những thành công của dự án lần này, Schneider Electric sẽ mở rộng thêm nhiều dự án tương tự. Thời gian tới, dự kiến sẽ có khoảng 30 ngôi làng khác của Việt Nam sẽ được triển khai thực hiện dự án này.