Trước hết, phải xác định “trường học” và “gia đình” là nơi giáo dục, rèn luyện, tập cho trẻ hình thành thói quen sống, ý thức tự giác hiệu quả nhất, trong đó có ý thức tiết kiệm điện.
Từ lâu, lĩnh vực an toàn giao thông đã được một số trường lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa… để tuyên truyền về an toàn giao thông cho các em học sinh và kết quả là đã hình thành được thói quen rất tốt đối với các em. Lĩnh vực tiết kiệm điện cũng không khác gì, vì vậy, cần sớm đưa chủ trương này vào trường học để giáo dục, rèn luyện các em tiết kiệm điện ngay từ nhỏ.
|
Nên đưa giáo dục tiết kiệm điện trong trường tiểu học - Ảnh: EVN HANOI |
Để các trường triển khai thực hiện chủ trương tiết kiệm điện, thu hút đông đảo các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng, tham gia tích cực, về phía nhà trường cần áp dụng nhiều biện pháp, trong đó:
- Phải có sự phối kết hợp giữa nhà trường với ngành Điện lực, để được hỗ trợ về nhân lực, tài liệu hướng dẫn và một số hoạt động khác…
- Phát tờ rơi, tờ bướm, khẩu ngữ, băng rôn tuyên truyền tiết kiệm điện với nhiều thông tin và hình ảnh hữu ích, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ giúp các em tiếp cận nhanh.
- Tổ chức nhiều buổi ngoại khóa, hướng dẫn các em cách sử dụng các thiết bị điện trong gia đình tiết kiệm điện tối ưu theo hình thức truyền đạt sáng tạo để trẻ dễ dàng nhận thức và tiếp thu, theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”. Người hướng dẫn cần gợi mở vấn đề, mời một em học sinh lên kể lại một số thiết bị điện trong gia đình, sau đó lần lượt hướng dẫn các em cách sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, không vội vàng, hướng dẫn đến đâu giúp các em ghi nhớ đến đó.
- Tổ chức giao lưu, sinh hoạt tập thể hàng tuần, yêu cầu mỗi lớp cử từ 2 đến 3 em học sinh tường thuật, kể lại những câu chuyện, việc làm tốt về việc sử dụng các thiết bị điện trong gia đình, ở trường mà bản thân học sinh đã làm được hay các em đã làm gì để giúp thành viên trong gia đình sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm… Nhà trường có thể tặng những món quà nhỏ như bút, vở… để khuyến khích các em tham gia đầy đủ.
Để duy trì và hình thành được thói quen tiết kiệm điện cho các em, bên cạnh sự giáo dục của nhà trường thì rất cần sự động viên, khuyến khích, hỗ trợ thường xuyên của gia đình. Nếu ở trường các em được giáo dục kiến thức tiết kiệm điện, thì gia đình sẽ là nơi để các em thực hành những kiến thức đó, chính vì vậy, các thành viên trong gia đình cần hết sức tạo môi trường thuận lợi cho các em "học" đi đôi với "hành".
Mặc dù được giáo dục từ nhà trường, nhưng khi về nhà, nếu các em không được kèm cập hoặc bị tác động trước thói quen sử dụng điện một cách tùy tiện, lãng phí của gia đình thì dù có giáo dục thế nào thì hiệu cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Chính vì vậy, nhà trường và gia đình đều có trách nhiệm trong việc hình thành những thói quen tốt của trẻ em.
Đặng Khánh Hưng (Bài đạt giải Khuyến khích cuộc thi Ý tưởng tiết kiệm điện 2012)