Đối với việc tiết kiệm năng lượng, hiện nay một số thị trường lớn như Mỹ, EU đã có quy định về rào cản dán nhãn cacbon trong đó yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải cacbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra trên từng sản phẩm dệt may. Tại Việt Nam, nhiều DN dệt may cho biết đã nhận được yêu cầu của một số bạn hàng về việc dán nhãn cacbon trên sản phẩm dệt may xuất khẩu.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất dệt may không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho DN mà còn giúp bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN dệt may trong hội nhập vì trong các FTA Việt Nam đã kí kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP đều có các cam kết về cam kết về môi trường, yêu cầu phát thải cacbon thấp.
Nhằm hỗ trợ các DN dệt may triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện Chương trình Năng lượng phát thải thấp (VLEEP). Chương trình dự kiến hỗ trợ 50 dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng cho các DN trong các ngành công nghiệp, trong đó có dệt may. Ngoài dự án trên, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cũng đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ DN về cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp với từng DN và kết nối nguồn tài chính để các DN dệt may có thể áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng công nghệ phát thải thấp, tiết kiệm năng lượng có thể giảm được 30% chi phí cho ngành dệt may. Đồng nghĩa, mỗi năm ngành dệt may Việt Nam có thể giảm 1 tỷ USD chi phí năng lượng, nhờ đó sẽ tăng đáng kể hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường.