Truyền năng lượng không cần dây dẫn

Ngày 12/3, các nhà khoa học Nhật Bản  tuyên bố đạt một bước đột phá khoa học quan trọng là truyền năng lượng từ nơi này đến nơi khác mà không cần dây dẫn.

Theo AFP, các chuyên gia Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) cho biết, đã dùng vi ba để truyền 1,8 kW điện - đủ để chạy một ấm đun nước bằng điện - qua không khí tới một địa điểm cách đó 55 km với độ chính xác tối đa.

Các vệ tinh nhân tạo như ISS đã sử dụng năng lượng mặt trời từ lâu. Ảnh: Live Science

“Đây là lần đầu tiên giới khoa học truyền được gần 2 kW điện qua vi ba tới một địa điểm nhỏ bằng cách sử dụng thiết bị điều khiển hiện đại” - một người phát ngôn JAXA khẳng định.

Công nghệ này sẽ là bước mở đường để loài người thu thập năng lượng mặt trời trên không gian và truyền về trái đất.

Từ vài năm qua, JAXA nghiên cứu phát triển một hệ thống thu thập năng lượng mặt trời trên không gian. Sản xuất năng lượng mặt trời trên không gian có những lợi thế lớn so với ở trái đất, ví dụ như khả năng sản xuất liên tục bất kể ngày đêm hay thời tiết.

Các vệ tinh nhân tạo như Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động từ lâu, nhưng cho tới nay việc truyền năng lượng này xuống trái đất để mọi người sử dụng vẫn chỉ là một giấc mơ. Nhưng nghiên cứu của JAXA tạo ra bước đột phá cần thiết để tiến tới mục tiêu này.

JAXA cho biết, trong tương lai, con người có thể đưa các vệ tinh truyền vi ba lên quỹ đạo, ở độ cao khoảng 36.000 km so với bề mặt trái đất. Các vệ tinh này sẽ được trang bị ăng ten thu năng lượng mặt trời và truyền xuống trái đất.

Tuy nhiên, các chuyên gia JAXA ước tính, phải tới năm 2040 dự án này mới có thể được thực hiện do giới khoa học còn phải chinh phục một số thử thách công nghệ cần thiết.

Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, phải dựa dẫm vào nguồn nhập khẩu năng lượng hóa thạch. Do đó các chuyên gia Nhật đang nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng thay thế.


  • 13/03/2015 09:44
  • Theo Tuổi trẻ
  • 1532