Ứng dụng công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng

Ngày 15/12 tại TP HCM, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã tổ chức hội thảo “Quản lý, vận hành và ứng dụng thiết bị công nghệ trong công trình xây dựng”, nhằm giới thiệu những công nghệ mới ứng dụng trong công trình xây dựng, hướng đến việc xây dựng những công trình – tòa nhà thông minh tại Việt Nam.

Báo cáo tại hội thảo, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết, công trình – tòa nhà là đối tượng tiêu thụ đến 1/3 năng lượng toàn cầu. Thêm vào đó, năng lượng tự thân để chế tạo vật liệu xây dựng, vận chuyển đến nơi xây dựng và lắp đặt thì tổng năng lượng tiêu thụ lên đến 48%. Trong khi đó, tuổi thọ các công trình xây dựng là từ 50 - 100 năm. Do đó, các công trình thực hiện đổi mới công nghệ ngay từ khi xây dựng về lâu dài sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho cả chủ công trình và xã hội.

Những hệ thống có thể ứng dụng công nghệ mới trong công trình bao gồm: Vỏ bọc công trình, chiếu sáng, điều hòa không khí, nước nóng, BMS (Building Management System), hệ thống phát điện từ năng lượng tái tạo…

Công trình xây dựng có rất nhiều phần để ứng dụng công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng - Ảnh: Nguồn Internet.

Theo ông Phạm Hoàng Hải Quân, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trong công trình – tòa nhà, hệ thống điều hoà không khí tiêu thụ đến 40% năng lượng, tiếp đến là chiếu sáng 15 - 20%, hệ thống thang máy 5 - 10%, hệ thống nước nóng 5 - 10%, hệ thống bơm nước thuỷ cục 5 - 10%, thiết bị văn phòng 10 - 15%... Do vậy, chỉ riêng việc ứng dụng công nghệ mới cho hệ thống điều hòa không khí và chiếu sáng, các tòa nhà ở Việt Nam đã có thể tiết kiệm chi phí năng lượng đáng kể.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện của khách sạn Intercontinental Saigon khẳng định việc ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong vận hành và quản lý đã giúp khách sạn đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước và tiết kiệm chi phí năng lượng đáng kể, quan trọng nhất là khẳng định được vị thế với đối tác và khách hàng quốc tế.

Một số giải pháp công nghệ được Intercontinental Saigon áp dụng và mang lại hiệu quả cao như sử dụng công nghệ làm mát máy nén cho máy điều hòa không khí; lắp đặt biến tần để điều khiển hệ thống quạt AHU; bơm nước lạnh; tháp giải nhiệt; sử dụng lò hơi hiệu suất cao… Cùng với việc khai thác tối đa việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, khách sạn Intercontinental Saigon đã thành lập Ban quản lý năng lượng với những chức năng, nhiệm vụ rõ ràng góp phần cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Bên cạnh một số thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ mới, trong đó có Nghị định của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy chuẩn quy định cụ thể từ Bộ Xây dựng, được thừa hưởng những công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến, có nhiều chương trình hỗ trợ từ các dự án nước ngoài… thì việc ứng dụng thiết bị, công nghệ mới trong tòa nhà cũng còn một số khó khăn.

Trong phần thảo luận tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc ứng dụng công nghệ mới cho tòa nhà đó là là thiếu các hướng dẫn cụ thể trong xây dựng công trình; các chủ đầu tư ít quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng từ giai đoạn thiết kế; thiếu lộ trình để thực hiện nâng cấp, áp dụng công nghệ mới; nhận thức còn hạn chế; thời gian hoàn vốn dài nên nhiều tòa nhà không quan tâm đến cải tạo thiết bị; thiếu năng lực trong thiết kế công trình hiệu quả năng lượng; thiếu thông tin về công nghệ, khó khăn về tài chính…

Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như là các chủ đầu tư, kiến trúc sư và các kỹ sư vận hành công trình nhìn lại hiện trạng ứng dụng công nghệ trong xây dựng – sử dụng tòa nhà tại Việt Nam, nêu ra những khó khăn và tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đó, hướng tới việc xây dựng và vận hành những công trình bền vững và thông minh.


  • 17/12/2017 06:00
  • Mai Nhiệm
  • 5140