Việt Nam đang nằm ở đâu trên bản đồ điện mặt trời thế giới?

Theo trang investopedia.com, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam đang chứng minh năng lượng mặt trời là câu trả lời thuyết phục cho việc tìm kiếm các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Trung Quốc

Sự gia tăng mạnh của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc bắt nguồn từ việc quốc gia này đang rất cần điện và nạn ô nhiễm không khí trầm trọng. Năm 2015, Trung Quốc đã vượt qua Đức trở thành nhà sản xuất quang điện (PV) lớn nhất thế giới và là quốc gia đầu tiên đạt tổng công suất PV được lắp đặt trên 100 gigawatt (GW) vào năm 2017.

Lắp đặt hơn 30,1 GW công suất PV vào năm 2019, nâng tổng công suất lắp đặt lên 205,2 GW (tương đương 27% thị phần toàn cầu), Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sản xuất điện mặt trời. Cuối năm 2020, tổng công suất PV lắp đặt của Trung Quốc đạt 253 GW (3,5% tổng tổng năng lượng sử dụng của nước này), chiếm 1/3 tổng công suất PV được lắp đặt trên thế giới (760,4 GW).

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu năm 2020, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc có kế hoạch đạt 1.200 GW công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió kết hợp vào năm 2030. Đáng nói, việc mở rộng năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã bị chỉ trích do lượng lớn chất thải từ quá trình sản xuất tế bào quang điện.

Mỹ

Năm 2018, điện mặt trời tạo ra sản lượng 66,6 terawatt-giờ (TWh), chiếm 1,66% tổng lượng điện của Mỹ. Trong cùng khoảng thời gian đó, tổng sản lượng điện mặt trời, bao gồm cả sản xuất quang điện quy mô nhỏ ước tính, là 96,1 TWh, 2,30% tổng lượng điện của nước này. Tính đến cuối năm 2020, Mỹ đạt 97.275 MW công suất điện mặt trời.

Nhiều tiểu bang đã đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo riêng - Hawaii có kế hoạch đạt 100% điện từ nguồn tái tạo vào năm 2045; California yêu cầu phải thu được 100% điện năng từ các nguồn không carbon vào cuối năm 2045 (bao gồm 60% nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030).

Hiệp hội các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ dự đoán tổng công suất điện mặt trời sẽ đạt trên 100 GW vào năm 2021. Chi phí năng lượng mặt trời trở nên cạnh tranh hơn với các nguồn tài nguyên không thể tái sinh, sản lượng của Mỹ dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Ấn Độ

Với khoảng 300 ngày nắng mỗi năm, tỷ lệ năng lượng mặt trời được tính toán trên diện tích đất khoảng 5.000.000 tỷ kWh/năm, vượt quá sản lượng năng lượng có thể có của tất cả các nguồn dự trữ năng lượng nhiên liệu hóa thạch ở Ấn Độ. Năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã công bố sáng kiến đầu tư 100 tỷ USD nâng công suất năng lượng mặt trời lên 100 GW và tổng công suất điện tái tạo lên 175 GW vào năm 2022.

Chính phủ Ấn Độ đã đặt mục tiêu ban đầu công suất 20 GW vào năm 2022, đạt được trước kế hoạch 4 năm, vào năm 2018. Nước này đã thành lập 42 công viên năng lượng mặt trời để cung cấp mặt bằng cho các nhà máy năng lượng mặt trời, công suất lắp đặt 40,09 GW đạt được ngày 31/3/2021, bổ sung 23,87 GW của các dự án đang trong quá trình đấu thầu.

Nhật Bản

Là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, thiếu không gian mở, Nhật Bản nằm trong số các nước dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời, với công suất lắp đặt mới là 7 GW vào năm 2019. Điện mặt trời đã trở thành một ưu tiên quốc gia quan trọng kể từ khi nước này thay đổi chính sách đối với năng lượng tái tạo sau thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011.

Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai thế giới về tăng trưởng điện mặt trời trong năm 2013 và 2014, với công suất tương ứng 6,97 và 9,74 GW. Đến cuối năm 2017, công suất điện mặt trời tích lũy đạt 50 GW, đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Các mục tiêu về điện mặt trời được Chính phủ Nhật điều chỉnh vào năm 2009: năm 2020 - 28 GW (vượt vào năm 2014); năm 2030 - 53 GW (vượt vào năm 2018); năm 2050 - đáp ứng 10% tổng nhu cầu năng lượng trong nước.

Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện mặt trời - số giờ nắng trung bình của miền Bắc từ 1.500-1.700 giờ/năm, cường độ bức xạ mặt trời trung bình 3,69 kWh/m2; khu vực Trung Bộ và Nam Bộ - 2.000-2.600 giờ/năm, cường độ bức xạ 5,9 kWh/m2. Theo quy hoạch năng lượng năm 2016 của Chính phủ, điện mặt trời dự kiến ​​đạt 850 MW (0,5%) vào năm 2020, khoảng 4.000 MW (1,6%) vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW (3,3%) vào năm 2030.

Việt Nam đạt khoảng 4,8 GW vào năm 2019, chiếm 4,3% thị phần điện mặt trời toàn cầu. Tính đến 30/6/2019, 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW đã được đưa vào vận hành. Theo tiến độ, ​​đến cuối năm 2019, sẽ đưa vào vận hành thêm 13 nhà máy, với tổng công suất 630 MW, công suất lắp đặt thực tế vào cuối năm 2019 đạt gần 5 GW.

Link gốc


  • 02/07/2021 04:21
  • Nguồn: vov.vn
  • 3959