Theo một tổ chức vì năng lượng bền vững, các nước phát triển cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả, hoặc tình trạng nóng lên của trái đất sẽ tiếp diễn với những hậu quả trầm trọng.
Trong tổng số 111 quốc gia tham gia cuộc khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB) chỉ có 40% quốc gia có các chính sách mạnh mẽ để cải thiện khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch với chi phí hợp lý, giúp các ngành hay lĩnh vực và hộ gia đình sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, và tăng mức độ sử dụng năng lượng tái tạo của các quốc gia.
Báo cáo của WB cho thấy các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Nam Phi, Brazil, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ, là những nước đang đi đầu trong nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng sạch cùng các nước phát triển.
Ngoài ra, WB cũng chỉ ra rằng châu Phi là lục địa được điện khí hóa ít nhất trên thế giới, với khoảng 600 triệu người sinh sống trong điều kiện không có điện. Khoảng 40% các quốc gia châu Phi tham gia cuộc khảo sát trên hiện vẫn chưa có các chính sách mạnh bạo để giải quyết tình trạng này, ngoại trừ Kenya, Uganda, Tanzania và Nam Phi.
Các mục tiêu về năng lượng là nội dung chính trong Hiệp định về chống biến đổi khí hậu đạt được tại Paris (Pháp) năm 2015, với mục tiêu giữ cho sự ấm lên của trái đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, thông qua việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, báo cáo trên của WB cho thấy nhiều quốc gia vẫn chậm trễ trong nỗ lực sử dụng năng lượng hiệu quả.
Trong khi đó, một báo cáo mới đây của Cơ quan năng lượng tái tạo IRENA cho rằng để tăng gấp đôi tỷ lệ năng lượng tái tạo đến năm 2030 thì nguồn vốn đầu tư cho năng lượng “xanh sạch” cần được tăng mạnh từ mức 305 tỷ USD năm 2015 lên trung bình 900 tỷ USD/năm từ năm 2016 đến 2030.