10 sai lầm thường gặp của lãnh đạo doanh nghiệp

Xây dựng và thực thi hiệu quả văn hóa doanh nghiệp (VHDN) sẽ tạo được sự vững bền cho mỗi một doanh nghiệp và kích thích được sức mạnh sáng tạo, tạo sự gắn bó bền chặt giữa các thành viên trong một doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hiện không hề đơn giản.

Không phải doanh nghiệp nào (nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước) cũng đạt được mục đích đề ra khi xây dựng và thực thi VHDN. Nguyên nhân đôi khi chính là từ những sai lầm mà lãnh đạo của doanh nghiệp thường hay mắc phải.

 

1. Lãnh đạo doanh nghiệp chưa gương mẫu trong thực thi mọi quy tắc chuẩn mực về VHDN. Dù lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm một điều tưởng như rất nhỏ, nhưng lại để lại hậu quả lớn: Đó là tất cả nhân viên cấp dưới đều thấy bản thân cũng có thể vi phạm tương tự như vậy.

 

2. Lãnh đạo chưa lắng nghe những ý kiến đóng góp xây dựng một cách trung thực, chân thành, tích cực từ những người cấp dưới. Có tư tưởng chủ quan, lúc nào cũng luôn nghĩ mình là người lãnh đạo, là “bề trên” và luôn luôn đúng.

 

3. Trong giao tiếp, lãnh đạo chỉ ban hành thông tin từ trên xuống, chưa thể hiện được niềm tin, thiếu tính thống nhất cao trong toàn bộ doanh nghiệp.

 

4. Thái độ làm việc trong điều hành chưa biểu lộ tình cảm thân thiện, đôi khi còn máy móc, tạo cho cấp dưới thiếu niềm tin vào người lãnh đạo. 

 

5. Có thái độ chỉ trích một chiều đối với cấp dưới. Thiếu sự bình tĩnh, điềm đạm; xử lý công việc còn vội vàng, chưa linh hoạt, làm cho cấp dưới e ngại không dám bộc lộ những suy nghĩ, tâm trạng của mình qua công việc.

 

6. Trong điều hành công việc chưa thể hiện tính cương quyết, hay thay đổi quyết định, hay suy đoán lệch lạc, thiếu khéo léo, khoa học trong sắp xếp, chỉ đạo triển khai công việc.

 

7. Tính kiên nhẫn và tính thuyết phục chưa cao khiến một số quyết định, chủ trương của người lãnh đạo dù rất chính xác, đúng đắn, nhưng lại chưa được cấp dưới hiểu đúng và tin tưởng làm theo.

 

8. Người lãnh đạo chưa thể hiện lòng nhân ái và sự quan tâm đối với mọi người hoặc chỉ thể hiện trong phạm vi hẹp, với những cấp dưới thân tín. Điều này khiến cho nguy cơ chia rẽ nội bộ càng tăng cao. 

 

9. Đánh giá công việc đạt được của những người cấp dưới mình còn thiểu cận, thiên vị chưa thể hiện tính khách quan. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tinh thần tập thể đoàn kết, thống nhất trong đơn vị không được vun đắp và phát huy.

 

10. Sự khen ngợi của lãnh đạo đối với cấp dưới chưa đúng lúc, đúng người, hoặc không đúng với hoàn cảnh thực tại.

 

Văn hóa doanh nghiệp là “chìa khóa thành công” của doanh nghiệp và được thể hiện cụ thể qua phong cách làm việc của người lãnh đạo. Một lãnh đạo giỏi đòi hỏi phải hội đủ “Tâm, Tín, Tài” - là người có trí tuệ, có tính quyết đoán, có cái tâm, được tín nhiệm, biết kết hợp sự hài hòa trong công việc, tìm được những ưu khuyết điểm của người thừa hành để kịp thời phát huy, khen thưởng đúng người, đúng việc. Nếu làm tốt được những điều trên, người lãnh đạo sẽ thực sự trở thành người thủ lĩnh xứng đáng để phất cao ngọn cờ văn hóa trong doanh  nghiệp.


  • 16/08/2011 11:13
  • Ngọc Tiên
  • 1904