Chuyện nghề của những chàng “áo cam” vui tính

Vốn là dân kỹ thuật, chỉ quen với máy móc, thiết bị, đường dây… nhưng những công nhân, kỹ sư vui tính trong ngành Điện lại có cách kể chuyện đời, chuyện nghề rất duyên dáng, gần gũi, mang lại thư giãn cho đồng nghiệp sau những giờ lao động vất vả. Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất, chuyên trang Văn hóa EVN xin gửi tới Quý độc giả một vài mẩu chuyện thú vị từ những “áo cam” vui tính này.

Diễn viên nghiệp dư ở Công ty Điện lực Phú Yên

Không học qua trường lớp sân khấu, chưa một lần đứng trên sàn diễn, chỉ vì yêu nghề, lại có khiếu hài hước, anh Nguyễn Di Linh, công nhân Điện lực Tây Hòa và anh Phan Thanh Bình, công nhân Điện lực Tuy An thuộc Công ty Điện lực Phú Yên luôn phải hóa thân vào nhiều “vai diễn” khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra giám sát mua bán điện.

Những "áo cam" vui tính luôn mang lại tiếng cười cho đồng nghiệp bởi nhiều câu chuyện nghề gần gũi.

Người ta cứ nghĩ, nghề giám sát mua bán điện thật đơn giản, ngày nào cũng đi lòng vòng ngoài đường, hết nơi này tới nơi khác, thời gian rảnh rỗi. Nhưng họ đâu biết rằng, đó chính là nhiệm vụ của các anh! Để bắt được “nghi phạm”, các anh phải nhập vai, có khi là người câu cá, sinh viên đi thuê trọ, hay thậm chí là người... bán dép, với mục tiêu bắt quả tang những trường hợp vi phạm sử dụng điện. Những cảnh diễn này không chỉ giúp các anh có thêm kinh nghiệm “nhập vai”, mà còn làm cho kho chuyện cười của các anh ngày càng dày thêm.

Anh Nguyễn Di Linh tâm sự: “Cứ thấy trụ điện là tôi ngước mắt lên nhìn. Ban đầu mọi người hiểu lầm tôi kiêu ngạo, lúc nào cũng ngẩng mặt lên trời không thèm chào hỏi người khác. Đến khi chở người yêu đi chơi, bộ mặt tôi vẫn lầm lì vì... đi qua một nơi có nghi ngờ trộm cắp điện. Đến khi nhận tin báo của đồng nghiệp phát hiện vi phạm, tôi cũng “bỏ quên” cô ấy luôn”.

Còn anh Phan Thanh Bình, Điện lực Tuy An cũng có không ít những vai diễn “để đời”. Có lần, anh vào vai người đi mua dép, diễn như thật. Mặc cả, so bì, nâng lên, đặt xuống, cố kéo dài thời gian cho đồng nghiệp tác nghiệp. Nghe chuông điện thoại: “Xong rồi Bình ơi!”, anh lập tức rút thẻ “Kiểm tra viên điện lực”. Khách hàng chạy vội lên lầu định phi tang chứng cứ, nhưng anh cương quyết: “Lực lượng chúng tôi đã ở trên đấy rồi”. Chủ nhà buộc phải nhận lỗi trước các chàng diễn viên nghiệp dư này về hành vi trộm cắp điện của mình.

Anh bộc bạch: Trong cốp xe của tôi lúc nào cũng có một cái mũ và một bộ quần áo cải trang thành dân thường, phục vụ công việc. Một lần đang cải trang, có người mách vợ anh là cứ thấy anh đi long rong ngoài đường, đêm không ngủ ở nhà mà cứ đi đâu đó làm ra vẻ bí mật lắm. Việc này khiến anh mất thời gian giải thích mãi với vợ. Kể cả khi hiểu ra vấn đề, chị vẫn căn vặn: Tại sao được lãnh đạo phân công công việc này, anh chỉ cười trừ: “Thì... tại trong đơn vị, chẳng ai hài hước và "vào vai" bằng chồng của em”.

Nói về hai công nhân vui tính trong đơn vị, ông Nguyễn Khoa Trình, Phó giám đốc PC Phú Yên cho biết: “Lực lượng kiểm tra giám sát của Công ty với tuổi trẻ nhiệt huyết, lòng yêu nghề và sự gan dạ, thời gian qua, các anh đã có nhiều sáng kiến và phát hiện nhiều vụ vi phạm sử dụng điện. Dự kiến, thời gian tới, lực lượng này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, tập trung kiểm tra các điểm nóng có dấu hiệu vi phạm sử dụng điện trên địa bàn toàn Tỉnh”.

Anh thợ điện “chọc” danh hài Trấn Thành cười

Năm 2016, chàng thợ điện Nguyễn Tất Thắng đến từ Công ty Điện lực Sơn La đã tạo ấn tượng khi tham gia cuộc thi “Thách thức danh hài” được phát trên kênh Truyền hình HTV7.

Phần giới thiệu về bản thân, trước câu hỏi vui của giám khảo Trấn Thành: “Có bao giờ anh bị điện giật chưa?”. Ngay lập tức, anh Thắng hỏi: “Xin hỏi anh Trấn Thành có bao giờ anh bị thợ điện giật chưa?” khiến các giám khảo bật cười. Trấn Thành cũng tiếp lời: “Anh định giật cái gì của em?”. Anh Thắng đã tiến lại trước bàn giám khảo: “Dĩ nhiên là giật giải thưởng rồi”...

Tại vòng loại trước khi lên sóng truyền hình, anh Thắng mang tới câu chuyện có thật về đồng nghiệp. Trong 1 lần trèo lên cột cắt điện, bỗng nghe tiếng oang oang của khách hàng: “Thằng nào dám cắt điện của ông vào giờ này, thằng nào, thằng nào?”, kèm theo đó là con dao lăm lăm trên tay. Khi nhìn thấy bóng áo cam đang trên cột điện, vị khách này lại càng điên tiết: “Mày cắt điện của ông hả? Tao thách mày tụt xuống đây, mày xuống đây là mày chết với tao!”. Thấy khách hàng vừa la hét vừa thách thức, thợ điện ở trên trụ điện cũng run. Anh nói vọng xuống, giọng từ tốn: “Anh ơi, nhà anh cuối tháng rồi mà chưa đóng tiền điện, nên em mới được lệnh cắt điện nhà anh”. Khách hàng vẫn sừng sộ, gọi đứa con gái học lớp 7 ra tra hỏi thì cháu nói: “Con quên không báo cho bố mẹ biết, đã có giấy thông báo đóng tiền điện”.

Lúc này, biết mình có lỗi, khách hàng mới dịu giọng xuống và xin lỗi anh thợ điện, bảo anh cứ từ từ trèo xuống. Đúng lúc ấy, bất ngờ một chú ong bay ra, rồi hai, ba chú vây quanh người, đốt lên tay, lên mặt... Bị đám ong tấn công bất ngờ, anh thợ điện tối tăm mặt mũi rồi rơi xuống đất. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm tại trạm y tế xã, mặt mũi sưng vù. Cách kể chuyện dí dỏm đã làm danh hài Trấn Thành phải bật cười vì sự thông minh và câu chuyện nghề rất thật, rất đời thường của anh Thắng.

Kỹ sư điện ví “vợ vắng nhà như... dây điện hạ ngầm”

Nhiều đức ông chồng thường cảm thấy thích thú khi vợ vắng nhà, bởi khi ấy họ sẽ được thoải mái “tung hoành”. Anh Phạm Việt Anh, Phó Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng kiêm “cây hài” của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã có những liên tưởng thú vị giữa việc vợ vắng nhà và hạ ngầm lưới điện… Sự liên tưởng của anh từng là câu chuyện được nhiều đồng nghiệp chia sẻ qua mạng xã hội facebook.

Anh kể, khi nghe mấy anh bạn cứ tếu táo, truyền nhau câu thơ nói xấu vợ: "Em cứ hay cằn nhằn/ Than mưa rồi trách nắng/ Ước gì em đi vắng/ Được một ngày yên thân”, anh liền nghĩ ngay: “Bình thường, bước ra là thấy, đi tới đi lui đều thấy, sáng thấy, tối thấy, ngày nào cũng thấy, riết rồi thấy... bình thường. Nay bỗng dưng, trước sau không thấy, ngó lên dòm xuống không thấy, sáng nắng, chiều mưa không thấy, tự dưng thấy... khác thường, cứ y như... lưới điện - dây to dây nhỏ, cáp viễn thông, cáp truyền hình - bó lớn bó bé, đem hạ ngầm hết, để giờ nhìn quanh, không thấy, bâng khuâng như… vợ vắng nhà.

“Cứ “chém vậy”, nhưng ngẫm đi ngẫm lại cũng không thấy đúng lắm” – Việt Anh bộc bạch – “Vợ vắng nhà mấy hôm đã nhớ, đã mong vợ trở về, dây điện đã hạ ngầm lẽ nào mình lại mong tình trạng lộn xộn dây rợ, tổ chim, tổ cò trở lại? Thôi chẳng dám ví vợ vắng nhà như dây điện hạ ngầm nữa, dù rằng vợ và dây điện cũng có nhiều điểm giống nhau lắm đó!(cười).


  • 21/02/2018 02:59
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2429