Điều ước ở một ngôi làng

Những ngày qua, bà con nhân dân làng Tân Định, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên hết sức rộn ràng và vui mừng vì điều ước của mình đã được thực hiện. Những ánh điện dường như bị “nuốt chửng” 30 năm qua đã được bừng sáng như một phép màu. Vỡ òa… niềm mơ ước.

Điều ước thành hiện thực

Lấy chồng từ năm 19 tuổi và theo chồng vào làng Tân Định sống đến nay đã 31 năm, chị Trần Thị Dung hồ hởi, hôm nay là ngày chị thấy rất phấn khởi và vui vẻ nhất vì điện đã kéo về tận nhà. Bao năm qua, chị chưa thấy được ánh sáng của điện, quanh năm chỉ làm bạn với đèn dầu. Bây giờ có điện, chị thấy thứ gì cũng thoải mái và thuận lợi hơn. Chị tâm sự, có điện rồi, gia đình sẽ nhờ các chú thợ điện tư vấn mua các thiết bị điện sinh hoạt để sử dụng cho an toàn. Riêng chị, mấy hôm trước thấy kéo điện, chị mua ngay cái nồi cơm điện và nấu từ hôm có điện.

Cũng sống ở đây từ ngày đầu khai lập, chị Lê Thị Ánh Lài phải một cảnh hai quê. Con cái ở một nơi, gia đình chị canh tác một nơi. Sáng chị chở con đi học rồi vào làng Tân Định cách nhà 10 km để canh tác, đến trưa lại phải chạy về đón con. Chị xúc động, mơ ước của chị đã thành hiện thực vì chị không nghĩ rằng, có một ngày điện sẽ xuất hiện ở đây. Giờ đây, gia đình chị sẽ tập trung tại một chỗ để thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

Nét mặt rạng rỡ của người dân làng Tân Định khi điện đã về tận nhà.

Trường hợp khác, gia đình bà Lê Thị Phương sống trong cảnh mẹ góa con côi đã không giấu được sự vui mừng vì đứa con bị tai nạn của bà sẽ có cơ hội tiếp cận được những kiến thức công nghệ mới từ các phương tiện thông tin đại chúng để ứng dụng vào việc canh tác. Bà Phương dí dỏm, con trai bà đã có cơ hội lập gia đình vì trước kia, không có điện nên con gái không ai dám vào làng.

Từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Ninh đã dậy thật sớm và vận động bà con phát quang, chặt cây để tạo thuận lợi cho việc kéo điện về nhà. Mỗi người một tay, quang cảnh đường ở đây thoáng đãng hơn như thể báo hiệu thời gian đến, ngôi làng này sẽ làm ăn sung túc, khấm khá hơn. Còn anh Lê Văn Ánh thì rộn ràng, đi mua ngay các thiết bị điện trong nhà để nhờ công nhân điện hướng dẫn lắp đặt.

Trước đó, khi những hàng trụ điện thẳng tắp được dựng lên là lúc bà con tự nguyện hiến đất, sẵn sàng giúp đỡ ngành Điện trồng trụ kéo dây. Ai cũng làm, cũng phụ với một tâm trạng khá thoải mái bởi ước mơ hơn 30 năm qua của họ đã trở thành hiện thực. Điện về, bao ấp ủ sẽ được triển khai, không những trong sinh hoạt mà còn trong sản xuất. Sự mong mỏi ứng dụng công nghệ canh tác hiện đại vào sản xuất giờ đã được thực hiện, làm người dân bồi hồi suốt mấy tuần qua. Ai ai cũng trông chờ một sự biến đổi lớn hơn khi có điện về - điều kỳ diệu trong cuộc sống đã xảy ra.

Ấm áp từ sự quan tâm

24 hộ dân lọt thỏm trong sườn núi đã sống tại làng kinh tế mới Tân Định từ những năm 1988, trong cảnh đèn dầu hơn 30 năm qua. Nỗi niềm khao khát có điện được nhân lên từng ngày. Không phụ lòng mong mỏi của bà con, những ngày qua, công trình cấp điện cho làng Tân Định đã được hoàn thành và những hàng trụ điện thẳng tắp đã về đến trước ngõ từng nhà, nhờ nguồn kinh phí PC Phú Yên tiết kiệm được từ các dự án khác để đầu tư 2 tỷ đồng cấp điện cho nơi đây. Giám đốc PC Phú Yên, ông Thái Minh Châu cho biết, ý nghĩa lớn nhất của dự án này là đem đến nguồn điện cho điểm cuối cùng trên địa bàn tỉnh Phú Yên có điện lưới quốc gia. Khi có điện sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội địa phương, về đời sống sinh hoạt và kể cả việc nhỏ nhất là việc học của các cháu nhỏ.

PC Phú Yên lắp đặt công tơ miễn phí đến từng hộ dân làng Tân Định.

Ấm áp hơn, PC Phú Yên đã lắp đặt miễn phí công tơ và đường dây sau công tơ cho các hộ dân nơi đây với hơn 1.300 m dây cùng các phụ kiện khác trị giá hơn 50 triệu đồng, đảm bảo người dân sử dụng điện an toàn trước mùa mưa bão sắp đến. Kể từ đây, 24 hộ dân ở làng Tân Định sẽ được có nguồn điện ổn định để sử dụng và được hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng của ngành Điện như ở những khu vực đô thị khác. 

Chủ tịch UBND Xã Hòa Tân Tây, ông Phạm Phi Lệnh cho biết, việc có điện tại làng Tân Định đã tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Sắp đến, khu vực này sẽ được phát triển thành khu du lịch, kết hợp với chăn nuôi. Bởi vậy, khi điện về sẽ thu hút được các nhà đầu tư và cuộc sống người dân nơi đây sẽ được cải thiện đáng kể.

Nơi đây sẽ không còn cảnh trẻ em thắp đèn dầu để học, cũng không còn cảnh người dân đi về giữa hai nơi, cũng không còn cảnh người dân suốt ngày ăn cá kho, mà thay vào đó, điện đem đến cuộc sống cho người dân đủ đầy hơn. Ánh điện không những thắp sáng mà còn là sợi dây gắn kết tình làng nghĩa xóm, mở ra nhiều hướng làm ăn mới cho bà con, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công nghệ sản xuất mới, góp phần cải thiện đời sống.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, ông Huỳnh Tấn Việt:

“Tích cực làm những gì có lợi cho dân thì chúng ta làm. Điện về - đồng nghĩa với văn minh, chắc chắn đời sống bà con sẽ được nâng lên. Dự án đóng điện làng kinh tế mới Tân Định không có ý nghĩa về hiệu quả kinh tế, nhưng lại có ý nghĩa nhân văn, chính trị rất lớn, giúp tạo được sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân. Nhờ vậy, người dân làng Tân Định đã rất đoàn kết, đồng lòng hiến đất, hỗ trợ đơn vị thi công công trình”.

 


  • 26/10/2018 02:07
  • Nguồn: EVNCPC
  • 1315