Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng giám đốc EVNHANOI phát biểu tại Hội thảo.
|
Theo báo cáo từ Ban Kinh doanh của EVNHANOI, từ năm 2017 đến nay, 32 dịch vụ điện trực tuyến, các ứng dụng chăm sóc khách hàng và các phần mềm đa dạng hóa hình thức thanh toán tiền điện qua các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán (TCTGTT) đã đem đến nhiều lợi ích về thời gian, công sức và chi phí cho khách hàng sử dụng điện.
Tính đến 31/3/2018, 1.856.576 khách hàng (chiếm 74%) đã thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các TCTGTT. Trong đó, thanh toán bằng hình thức trích nợ tự động là 144.328 khách hàng, tăng 5.777 khách hàng; hình thức điện tử (internet banking, mobile banking, ví điện tử…) là 200.191, tăng 18.427 khách hàng so với tháng 12/2017.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 16 ngân hàng và 5 tổ chức trung gian thanh toán (TCTGTT) đã ký kết hợp tác với EVNHANOI giúp Tổng công ty đến gần hơn và gắn kết với khách hàng cũng như tiết kiệm thời gian và công sức cho khách hàng sử dụng điện.
Bà Vũ Thúy Dương ở 188 Quán Thánh, quận Ba Đình cho biết, việc sử dụng trích nợ tự động qua thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn tiền điện giúp tiết kiệm được thời gian của gia đình cũng như chủ động hơn trong việc thu nộp tiền điện so với hình thức truyền thống. Ngoài ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp người dân thanh toán tiền điện với con số chính xác nhất.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc EVNHANOI cho biết trong thời gian tới, EVNHANOI sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng, phát triển các ứng dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng/TCTGTT đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nhằm phát triển khách hàng sử dụng các hình thức trích nợ tự động, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ triển khai 100% thanh toán tiền điện qua các ngân hàng/TCTGTT.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như cho doanh nghiệp và cá nhân về mặt thời gian, tiền bạc… Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng thanh toán hiện đại này, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. |