Màu áo cam giữa đại ngàn Tây Nguyên

Giữa rừng già, quanh năm làm bạn với sông, núi, với tiếng ì ầm của các loại máy móc, nhưng họ - những thanh niên mang màu áo cam thế hệ 8X, 9X đều một lòng gắn bó với các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên. Người nhiều thì gần 20 năm, ít cũng gần chục năm. Thiếu thốn đủ bề, nhất là tình cảm, nhưng họ hiểu, giữ an toàn và vận hành trơn tru các công trình thủy điện cũng là giữ cho đại ngàn Tây Nguyên xanh, mang lại sự no ấm cho khắp buôn làng và hơn hết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cả một vùng rộng lớn của đất nước.

Duyên nghiệp với thủy điện 

Tây Nguyên đang mùa mưa, có lúc lây phây nhưng bỗng chốc lại ào ạt, mịt mù. Người dân ở đây bảo, mưa kéo dài không dứt đến nay đã được hơn 2 tháng. Đất không còn chỗ để thấm nên nhiều con đường trở nên lầy lội, trơn trượt. Từ TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để đi về Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (nằm ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) khoảng 60 km, nhưng cũng phải mất hơn 2 giờ xe chạy. Đường đẹp, nhưng để sang đất Ninh Thuận phải vượt qua đèo Ngoạn Mục. Cái tên ấy cũng đủ nói lên sự hiểm trở và kỳ vĩ của đèo. Chả thế mà trước khi tuyến đường được nâng cấp, cải tạo, cánh tài xế vẫn gọi mười mấy cây số đường đèo ấy là “đèo chết”! Đem cái sợ tử thần ấy ra nói chuyện với anh Ngô Hạnh Đăng, Ban Quản lý dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, anh chỉ cười hiền: “Đã 20 năm gắn bó với nhà máy thủy điện nên cung đường ấy giờ đã quá thân thuộc với tôi, đến từng ổ gà, từng khúc ngoặt...”.

Công nhân kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị tại Nhà máy Thủy điện Pleikrông.

Anh Đăng kể, anh sinh ra và lớn lên ở Huế. Năm 1994 anh đỗ và theo học Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Năm 1997, lãnh đạo nhà máy thủy điện về tuyển người, với những sinh viên có nguyện vọng, đạt kết quả học tập tốt sẽ được cấp học bổng, ra trường sẽ được nhận về làm việc. “Khi đó, tôi không biết Nhà máy Thủy điện Đa Nhim nằm ở đâu và cũng không biết mình sẽ làm công việc gì, nhưng nghĩ khi ra trường không phải đi xin việc, hơn nữa được cấp học bổng cho 2 năm học cuối, vậy là đăng ký” - Anh Đăng nhớ lại cơ duyên đưa anh đến với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Rồi tiếp mạch ấy, anh tâm sự: “Ngồi trên ghế giảng đường chỉ suy nghĩ giản đơn vậy thôi. Ra trường, xách ba lô về nhận công tác mới thấy buồn. Bao quanh là núi rừng heo hút, thiếu thốn đủ bề, nhớ nhà da diết. Nhưng được cái anh em trong nhà máy đoàn kết, động viên nhau. Mình nghĩ, các anh làm được, gắn bó lâu dài với công trình, tại sao mình không làm được? Vậy là quyết tâm và dốc sức cho công việc. Nơi này đã cho tôi công việc, cũng là nơi tôi nên duyên với người con gái đất Lâm Đồng vào năm 2007. Mỗi cuối tuần, tôi lại vượt gần 140 km từ nhà máy về nhà ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Vì vậy mà cung đường mà các bạn vừa đi đã quá quen với tôi”. Giống anh Đăng, nhiều anh em khác ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cũng xác định nơi đây là quê hương thứ hai, có người lấy vợ ở đây, cũng có người đưa vợ con vào sinh sống tại Bảo Lộc... nên đã hình thành một xóm nhỏ của những người làm thủy điện ở cao nguyên này.

Ở Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp hay Buôn Tua Srah (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi đều gặp những người công nhân, kỹ sư khoác áo màu cam tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã gắn bó gần chục năm với nơi này như Phạm Duy Khoa (sinh năm 1985, quê Thái Bình) hay Trần Hữu Hậu (sinh năm 1984, quê Nam Định), Trương Thanh Liêm (sinh năm 1986, quê ở Huế)… Phạm Duy Khoa tâm sự, sống và làm việc nơi này thực sự phải có ý chí và nghị lực, cộng với sức khỏe, sự say mê công việc mới thích nghi, quen được với thay đổi của nhịp sinh học, có khi ngủ ngày, thức đêm và ngược lại. Thêm nữa, phải quen cả tiếng ì ầm của các tổ máy khi vận hành...

Tự hào là người “lính thủy điện”

Với người làm thủy điện, tiếng nước xả ào ào ở các đập thủy điện đã trở thành thứ thanh âm nhiều cung bậc, khi là nỗi lo, nhưng cũng có khi là tiếng reo vui... Anh Nguyễn Lê Hùng, Quản đốc phân xưởng vận hành Nhà máy Thủy điện Pleikrông (tỉnh Kon Tum) tâm sự, nước là tài sản, tài nguyên vô giá. Có làm thủy điện, có gắn bó với các công trình quan trọng này mới thấy giá trị mà nguồn nước mang lại. Để ánh điện bừng sáng khắp buôn làng Tây Nguyên, giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình thì việc vận hành, điều tiết hồ chứa rất quan trọng. Công việc là tính toán lưu lượng nước đổ về, mực nước trên hồ rồi quyết định mở một hay nhiều cửa xả để giữ an toàn cho đập. Cũng nhờ những công trình thủy điện mà những dòng sông Sêsan, Sêrêpốk, Krông Nô, Krông Ana… hung dữ khi xưa trở nên hiền hòa, có ích. Do vậy, những ngày bão lũ, những tháng mùa mưa, những người công nhân ngành Điện tại các nhà máy thủy điện đều phải căng mình. Còn mùa khô, cũng phải tính toán để xả nước sao cho có ích nhất, giúp người dân có nước tưới tiêu cho ruộng, vườn.

Dù đã qua gần 10 năm, nhưng Phạm Văn Nguyên (sinh năm 1986, quê Quảng Nam) ở Nhà máy Thủy điện Pleikrông, vẫn nhớ như in cơn bão số 11 gây ảnh hưởng nặng nề với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vào tháng 4/2009. Nguyên kể, nhớ nhất ngày 28/4/2009, khi đó mưa lớn, nước đổ về hồ nhiều, trong khi phía hạ lưu nhiều khu vực cũng đã ngập úng. Nhưng vì an toàn hồ đập, ban lãnh đạo công ty quyết định mở các cửa xả đáy. Nước xối mạnh đã gây thiệt hại cho taluy dương (nghĩa là nguy cơ sạt lở sườn dốc, mái dốc, những con dốc nghiêng), chút nữa ảnh hưởng tới đập trạm. “Vỡ đập trạm sẽ gây thiệt hại lớn tới cuộc sống của người dân dưới hạ lưu nên mọi người đều phải căng mình đối phó. Thời điểm đó, mưa lớn vẫn xối xuống sầm sập, lượng nước về hồ quá lớn, tới vài nghìn mét khối/giây nên gần 1 tuần, ban lãnh đạo và tất cả anh em đều bám trụ theo dõi, không bỏ sót một giây nào. Lúc ấy, mỳ tôm, các thức ăn còn lại ở trạm đều được huy động. Nhà máy cách xa khu dân cư nên việc ăn uống cũng không được đầy đủ. Nhưng khi ấy, mấy ai nghĩ đến ăn, chỉ húp vội bát mỳ cho qua cơn đói... Cũng may, sau đó mưa ngớt, lưu lượng nước đổ về hồ giảm dần. Chúng tôi như trút được gánh nặng...”.

Đêm ở thành phố cao nguyên, quây quần cùng nhau bên mấy xiên thịt nướng nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự chân tình của những người “lính áo cam” nơi núi rừng Tây Nguyên. Chén rượu nâng lên và những cái bắt tay siết chặt, tiếng hát qua micro được kết nối với một loa Bluetooth nhỏ... vậy mà tiếng hát át cả tiếng mưa. Gần gũi quá đỗi! Trào dâng trong tôi là sự trân trọng và cảm phục những người "lính áo cam" đang ngày đêm lặng thầm cống hiến để mang lại nguồn lợi lớn cho cả vùng Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung.


  • 24/08/2018 06:23
  • Nguồn: Báo Hà Nội mới
  • 1395