Anh Nguyễn Văn Trọn (bên trái) cùng đồng nghiệp kiểm tra hộp bảo vệ điện kế có gắn kính cường lực. |
Thấy lãng phí thì khó chịu!
Tại Công ty Điện lực Bình Phú (Tổng công ty Điện lực TPHCM), anh Nguyễn Văn Trọn - Công nhân (CN) Tổ treo tháo 2, Đội Quản lý thiết bị đo đếm - không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn là “cây sáng kiến” của đơn vị.
“Thấy lãng phí là tôi tiếc, khó chịu trong lòng. Thấy việc không trôi chảy, nghe anh em than khó là tôi suy nghĩ dữ lắm. Suy nghĩ tìm cách khắc phục, thế là có sáng kiến. Sáng kiến của tôi bình thường lắm, gần gũi, đơn giản chứ đâu có gì cao siêu đâu” – Anh Trọn mở đầu câu chuyện khi nói về bảng thành tích dài mấy trang giấy khổ A4, với nhiều sáng kiến cải tiến thiết thực, làm lợi hàng trăm triệu đồng cho đơn vị.
Anh Trọn chia sẻ, là CN làm việc trực tiếp tại hiện trường, anh có điều kiện lắng nghe anh em, lắng nghe bà con và lắng nghe… chính mình để tìm thấy chỗ nào cần cải tiến giúp triển khai công việc tốt hơn. Anh kể, năm 2015, Tổng công ty Điện lực TPHCM chủ trương dời điện kế trong nhà dân ra bên ngoài để dễ quản lý, tránh phiền hà khách hàng mỗi khi nhân viên đến đọc và ghi chỉ số điện kế.
Khi điện kế đặt bên ngoài nhà khách hàng thì CB phải được đặt bên trong nhà, nên hộp bảo vệ điện kế loại có gắn CB bên trong hộp sẽ được thay thế mới. Thấy loại hộp cũ không tái sử dụng được dù vẫn còn rất mới, anh nảy ra ý tưởng tận dụng hộp cũ này để thực hiện gắn điện kế cho khách hàng ngoài trụ như điện kế chiếu sáng đèn đường dân lập địa phương, điện kế gắn tạm hội hè kỷ niệm và điện kế gắn tạm cho các công trình xây dựng…
“Như vậy mình không vứt đi mà còn tái sử dụng được. Cứ thấy tiết kiệm được là tôi vui rồi” – Anh Trọn chia sẻ. Tuy nhiên, không phải sáng kiến nào của anh cũng “tiết kiệm” ngay từ đầu, mà nhiều sáng kiến phải đầu tư mới, tốn kém so với cái cũ. Tuy nhiên, xét về lâu dài, sáng kiến của anh lại có hiệu quả kinh tế lớn.
“Đó là cải tiến hộp bảo vệ điện kế có gắn kính cường lực cho điện kế gắn ngoài nhà khách hàng. Tôi rất tâm đắc mà anh em đồng nghiệp, bà con dùng điện cũng hài lòng”, anh nói. Trước đây, nhược điểm lớn của các hộp điện kế là khi phần nhựa PC bảo vệ hộp bị ố mờ, anh em đọc và ghi chỉ số điện gặp khó khăn, đôi khi vì nhìn không rõ nên ghi chỉ số sai, dẫn đến phiền hà cho khách hàng và phải thay hộp mới tốn chi phí.
“Lúc đó tôi nghĩ sao mình không cho cải tiến hộp bảo vệ điện kế có nắp bằng nhựa PC thành hộp bảo vệ có gắn mặt kính cường lực phía trước để không bị ố mờ và sử dụng được lâu dài. Tôi đề xuất lãnh đạo đơn vị và thuyết phục dù chi phí ban đầu có cao nhưng về lâu dài hiệu quả rất lớn.
Khách hàng nào gắn điện kế mới thì sử dụng hộp bảo vệ cải tiến này, còn những điện kế hiện hữu thì chỉ cần thay nắp chụp hộp bảo vệ. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí, nhân công khi thay vỏ hộp bị mờ, tạo thuận lợi cho nhân viên ghi chỉ số nhanh và chính xác hơn” - Anh Trọn chia sẻ.
Hơn 40 tuổi đời và 20 năm tuổi nghề với một bảng thành tích dài các sáng kiến cải tiến được tặng bằng khen, chứng nhận các cấp, ngành… anh Nguyễn Văn Trọn cho hay vẫn sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để đáp ứng yêu cầu thay đổi của ngành Điện.
Người anh lớn của thợ trẻ
Là một trong những thế hệ CN “đàn anh” công tác trong ngành Điện tại TPHCM, anh Nguyễn Hoàng Chi, CN kỹ thuật điện bậc 7/7 thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn (Tổng công ty Điện lực TPHCM) không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc công việc của mình, với nhiều sáng kiến, anh còn là người dìu dắt, hỗ trợ cho thế hệ đi sau. Nhiều thợ trẻ được anh Chi hướng dẫn đã trở thành những những người thợ giỏi việc, lành nghề.
“Với tôi, em nào mê việc, thích tìm hiểu là tôi quý. Còn em nào lơ là hay tỏ thái độ chán nản là tôi tìm hiểu nguyên nhân, động viên. Tôi luôn nghĩ là khi người ta đã chọn nghề này rồi, chắc chắn là người ta yêu, nhưng có thể vì lý do gì đó mà các em ấy lơ là thôi, mình phải động viên các em ấy” – Anh Chi bộc bạch.
Ở Tổ Quản lý lưới điện của anh có anh Châu Thị Long, rất hay say xỉn. Cuối ngày là nhậu, sáng đi làm người lờ đờ, cả tổ không ai muốn làm cùng, không phải vì đồng nghiệp ghét mà là vì ngại sức khỏe anh Long không đảm bảo, gây mất an toàn.
Anh Chi kể lại: “Để Long thay đổi, tôi kéo Long vào việc. Khi làm việc cùng, tôi cố gắng gợi mở để Long trình bày ý kiến, chỉ cần Long có ý kiến, anh em góp ý vào động viên. Ví dụ như lần Long có ý kiến về việc gia công phễu để bơm keo vào hộp nối cáp ngầm trung thế, tôi động viên viết ý tưởng ra gửi cho công ty. Ý tưởng của Long được thưởng 1 triệu đồng và cho triển khai vào thực tiễn. Từ những chuyện nhỏ như vậy, Long bây giờ hết nhậu, tập trung công việc, mọi người trong tổ vui lắm”.
Anh Nguyễn Văn Trọn cũng là người được anh Nguyễn Hoàng Chi chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công việc, cho hay: “Mình là CN trực tiếp sản xuất, thấy vấn đề gì cần cải tiến để giúp đơn vị tiết kiệm thì mình làm. Tôi nghĩ, tiết kiệm cho công ty cũng là tiết kiệm cho chính mình. Tôi vẫn động viên anh em, thấy vấn đề chỗ nào, cứ mạnh dạn kiến nghị, mình làm không xong, sẽ có anh em đồng nghiệp, đội ngũ kỹ sư của đơn vị hỗ trợ.
Bản thân tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều anh chị đi trước thì mình cũng nên có trách nhiệm với những người đi sau. Bởi trong ngành Điện, khi một người làm việc an toàn thì những người khác cũng an toàn, nhiều người cùng giỏi việc, công việc sẽ trôi chảy, thuận lợi hơn”.
Theo ông Lê Văn Minh – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực TPHCM: “Các sáng kiến của anh Chi, anh Trọn và nhiều anh chị em công tác trong ngành Điện đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đơn vị và ngành Điện. Họ là những người thợ nhiệt huyết, đi đầu trong công việc và là tấm gương cho anh em, đặc biệt là thợ trẻ”.