Đội “giải cứu” điện…bạc tỉ

Các đội sửa chữa “nóng” lưới điện được ví như nhóm “giải cứu” siêu hạng. Đội hình mới nhất vừa ra mắt ở Quảng Trị đã lập tức gây sức hút lớn... Họ chính là 8 thành viên của Đội sửa chữa lưới điện đang mang điện 22 kV (còn gọi là Đội sửa điện “nóng”, Hotline) đầu tiên và duy nhất của PC Quảng Trị tính đến thời điểm tháng 4/2018.

Công nhân VIP

Để tuyển được 8 công nhân này, Công ty Điện lực Quảng Trị đã phải sàng lọc từ 520 người từ các đơn vị thành viên. Ứng viên phải cao 1,65m trở lên, trong độ tuổi 25 - 43, chỉ số cơ thể BMI (trọng lượng/chiều cao) đạt 18,5 - 25, được đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm, kỷ luật, kỹ năng làm việc theo nhóm…, tất nhiên phải rất gan dạ, tự tin. 

Đến tháng 3/2018, đội Hotline đầu tiên của Công ty Điện lực Quảng Trị mới ra mắt, nhưng các ứng viên đã bắt đầu vào cuộc tuyển chọn từ tháng 9/2016 kéo dài đến tháng 3/2017, mỗi đợt 4 người. Sau khi được chọn, họ được cử tham gia khóa huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ TP.HCM (Tổng công ty Điện lực TP.HCM). Riêng chi phí đào tạo cho 8 thành viên này đã tốn khoảng 1 tỉ đồng (bình quân 120 triệu đồng/người).

“Được cử đi đào tạo sửa điện nóng mà nói không lo lắng hay căng cứng tâm lý thì là ... nói dối. Vì sửa điện nguội đã tiềm ẩn nguy hiểm, huống hồ là sửa điện trên đường dây đang có điện. Nghe mấy thầy kể lại, ở ngoài bắc khi tiễn chồng đi làm Hotline, vợ con nhiều anh còn khóc như mưa”, Đội phó kiêm giám sát an toàn Nguyễn Quốc Phong nhớ lại.

Sau 2 tháng tập sửa nguội, đến tháng thứ 3 công nhân bắt đầu đóng điện, làm thật. “Không ai có thể quên được cảm giác lần đầu chạm tay vào dây đang mang điện 22 kV. Toát mồ hôi hột, dù có mang gang tay bảo hộ. Nhưng do được đào tạo bài bản, nên sau đó từ nỗi sợ hãi chúng tôi chuyển dần sang... thích thú. Chúng tôi giống như những chú chim, dù đậu trên dây điện nhưng không hề bị…giật”, đội trưởng Nguyễn Thành Chung kể.

Khác với các đội sửa chữa điện thông thường, đội Hotline được trang bị đến tận răng với những bộ đồ nghề đắt đỏ, nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ. Sắm 1 xe gàu cách điện, 1 xe bán tải cùng dụng cụ đồ nghề (125 loại) phục vụ công tác vệ sinh cách điện và sửa chữa nóng lưới điện, Công ty Điện lực Quảng Trị (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã phải tốn chi phí 12 tỉ đồng. Theo đội trưởng Chung, riêng chiếc xe gàu cách điện đã có giá 6,4 tỉ đồng, món đồ nghề rẻ nhất là giẻ lau silicon dùng 1 lần cũng 250.000 đồng/cái.

Mỗi lần ký vào biên bản, công nhân đội Hotline đã đặt cược cả tính mạng. 

Nghề không được... rút kinh nghiệm

Công nhân điện luôn đối diện rủi ro, riêng đội sửa chữa điện “nóng” lại càng... không có cơ hội để rút kinh nghiệm. “Sai là chết. Nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng nghĩ trên dây đang có điện. Phạm sai lầm thì trả giá bằng chính mạng sống mình”, đội viên Nguyễn Phi Hùng nói.

Yếu tố con người trong nghề sửa điện nóng luôn được đặt ra rất cao, vì thế các thuật ngữ trong thao tác hotline không dừng ở cụm từ “đảm bảo an toàn” mà phải là “tuyệt đối an toàn”. Chính vì thế, đội Hotline khi ra hiện trường có ít nhất 6 người (2 người trên gàu trực tiếp thao tác, 2 người cảnh giới giao thông, 2 người phụ việc ở bên dưới và giám sát an toàn), nhưng muốn bắt đầu thao tác phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong đội bằng cách… ký tên. “Ở đội chúng tôi mọi cá nhân đều có quyền từ chối. Nếu thấy quy trình không đúng, không an toàn thì không làm, không ai có thể ép. Việc ký tên đồng ý không phải là chiếu lệ mà rất quan trọng. Vì mỗi lần ký vào biên bản, tức là tôi cũng đã đặt tính mạng mình vào chữ ký đó”, đội viên Hoàng Xuân Thủy thổ lộ. Nếu hiện trường nảy sinh tình huống khác, cả đội lại phải hội ý, lại ký tên. Vì thế, có những nhiệm vụ đội Hotline vạch ra đến 100 - 200 bước.

Không cần cắt điện

Đội Hotline của Công ty Điện lực Quảng Trị chỉ vừa chính thức hoạt động từ giữa tháng 3/2018 nhưng đã hoàn thành xấp xỉ 20 nhiệm vụ khó mà không cần phải cắt điện trên đường dây 22 kV. Ông Huỳnh Tấn Thành, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị cho biết, việc đưa vào sử dụng công nghệ hotline tốn nhiều công sức, tiền của đầu tư nhưng đem lại hiệu quả to lớn. Bởi đội hình này giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện đối với khách hàng, không phá vỡ sơ đồ vận hành cơ bản của hệ thống điện.

Giải cứu điện mà không cần cắt điện, nên đội đang trở nên rất “hot”, luôn được các điện lực địa phương mời gọi để xử lý các điểm nóng.

Bản thân người viết khi ngỏ ý tiếp cận với đội Hotline hỏi về thời gian bắt đầu làm việc chỉ nhận được câu trả lời gọn lỏn của đội trưởng Chung: “12 giờ trưa nha!”.Hóa ra đội Hotline không có giờ giấc cụ thể, khi nào xong nhiệm vụ mới được ngơi tay, bằng không phải làm xuyên trưa hoặc xế chiều. Nên người viết cũng phải “đội nắng” để bám theo họ, và chứng kiến cảnh công nhân xong việc chỉ cần úp găng tay nhựa lại thì bên trong tuôn ra cả ly mồ hôi. 

Nhiều người trêu đùa rằng đội hình 8 thành viên VIP này sẽ là “ông tổ” của nghề sửa điện “nóng” ở Quảng Trị. Đây có thể là nghề hấp dẫn trong tương lai, vì người dân và doanh nghiệp luôn muốn được cung cấp điện ổn định và liên tục. “Muốn thế thì phải không cắt điện, không cắt điện thì phải dùng đội Hotline thôi!”, đội trưởng Chung lý giải.


  • 10/05/2018 07:32
  • Nguồn: PC Quảng Trị
  • 1686