Những “bông hồng” vận hành trạm biến áp 110 kV

Trong đời sống cũng như công việc hàng ngày tại trạm biến áp 110 kV Diên Sanh (thuộc Chi nhánh Điện cao thế Quảng Trị), cánh mày râu chúng tôi vẫn dành cho các chị em danh xưng trân trọng và có phần mỹ miều, đó là “Những bông hồng vận hành trạm biến áp 110 kV”.

Mỗi khi trạm có sự cố hay đến kỳ vệ sinh bảo dưỡng, các chị cũng nai nịt dây an toàn, áo mũ gọn gàng để chèo cao lau sứ, kiểm tra đầu cốt, máy cắt, dao cách ly, tỉ mỉ chăm chút từng thiết bị. Chị Thoa, chị Loan đã có gần 20 năm gắn bó với công việc này từ ngày xuân thì con gái. Dù thời gian đã làm xuân sắc phai dần nhưng tấm lòng yêu ngành, yêu nghề thì vẫn trọn vẹn thủy chung.

Nữ nhân viên TBA 110 kV Diên Sanh thao tác đóng cắt thiết bị

Xã hội ngày càng bình đẳng khi các ngành nghề đặc thù của nam giới cũng đã mở cửa đón thêm nhiều lao động nữ. Người ta bắt gặp nhiều nữ nhân viên vận hành trong các trạm biến áp, trực tiếp vận hành lưới điện, làm việc với thiết bị mang điện áp cao. Các chị cũng thể hiện xuất sắc vai trò của mình và đóng góp trong công việc không kém gì nam giới. Với bản tính của người phụ nữ chân yếu tay mềm, công bằng mà nói phụ nữ vận hành vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, nếu không muốn nói công việc khá nguy hiểm, không hề nhẹ nhàng với phụ nữ.

Đã chọn nghề này thì công việc của một nữ nhân viên vận hành trạm biến áp không khác gì của nam giới, vẫn là ngày ngày vận hành lưới điện an toàn đảm bảo cung cấp dòng điện luôn ổn định, tin cậy, kiểm tra các thiết bị trong vận hành; phát hiện, báo cáo và xử lý các hiện tượng bất thường, sự cố trong vận hành; tham gia đầy đủ công tác vệ sinh công nghiệp, vệ sinh bảo dưỡng thiết bị, hay có mặt khi huy động xử lý sự cố, trực bão lụt. 

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm bình đẳng như nhau, vì thế khi tham gia công việc các chị phải nỗ lực hơn nhiều so với các đồng nghiệp năm. Bởi mưa gió hay đêm tối các chị vẫn phải đi cả, hết cả các chị lại trở về nhà với thiên chức của người phụ nữ. Không chỉ giỏi việc nước, các chị còn là những người phụ nữ đảm việc nhà, biết cách thu xếp thời gian cho gia đình, chăm sóc chồng con và là ngọn lửa ấm áp trong gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thoa, nhân viên TBA 110 kV Diên Sanh, người đã hơn 10 năm vận hành TBA 110 kV tâm sự: “Mưa gió đi ca cũng không ngại, nhưng khó nhất là đi ca buổi tối, bởi đa số các chị em đang còn trẻ trong độ tuổi sinh nở, con còn nhỏ. Khi người ta bắt đầu ôm con vào lòng thủ thỉ bên tai ầu ơ cho con đi ngủ, thì mình lại loay hoay tìm cách dứt khỏi con để chuẩn bị vào ca. Nhiều đêm, mình đi làm đem theo vào ca trực cả tiếng khóc khát sữa của con thơ, hình ảnh chồng bồng con trong đêm đông lạnh giá, mình thấy chạnh lòng thương chồng, thương con vô cùng. Nhưng vì nhiệm vụ phải cố gắng vượt qua, rồi cũng dần quen. Những lúc ấy chính sự động viên, giúp đỡ của lãnh đạo đơn vị, sự thấu hiểu, chia sẻ của gia đình và đồng nghiệp là chỗ dựa, động lực giúp mình có thêm nghị lực vượt qua những vất vả, tiếp tục bám trụ với nghề”.

Chị Trần Thị Loan, nhân viên TBA 110 kV Diên Sanh chia sẻ: “Khi nghĩ đến công nhân vận hành điện thì ai cũng nghĩ nghề này chỉ dành cho cánh đàn ông, kể cả bản thân mình khi đi trực mình cũng nghĩ mình là một người đàn ông". Chị cười rồi nói tiếp: "Là người phụ nữ trong gia đình muốn vừa hoàn thành công việc cơ quan, vừa chu toàn vai trò làm mẹ, làm vợ trong gia đình khó lắm em à. Những ngày đầu chị cũng cảm thấy vất vả lắm, nhưng gắn bó lâu với nghề giờ cảm thấy rất quen, việc xử lý sự cố hay vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ cũng giống như việc khám chữa bệnh cho con khi trái gió trở trời, ốm đau vậy. Đến thời điểm hiện tại chị cảm thấy rất gắn bó với nghề này, gắn bó với anh em trong trạm, gắn bó với những con số dòng, áp, gắn bó với sơ đồ nhất thứ, phương thức...”.

Vượt lên trên những khó khăn trong công việc, cả về thời gian ca kíp bất tiện đối với nữ giới, những người phụ nữ ở TBA 110 kV Diên Sanh đã biết lấy sự mềm mại, khéo léo, dịu dàng vốn là bản năng của người phụ nữ để chăm sóc cho gia đình và sử dụng tính quyết đoán mạnh mẽ để hoàn hoàn thành tốt công việc được giao. Khi được hỏi, nếu được chọn lại có chọn ngành Điện không, chị em đều vẫn giữ niềm tin với nghề, bởi theo các chị, càng làm càng thấy yêu nghề và hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành Điện. Phụ nữ ngành Điện dù công tác ở vị trí nào cũng luôn toát lên vẻ đẹp rất cá tính nhưng cũng vô cùng dịu dàng, xứng đáng là những bông hoa tươi thắm, tỏa hương sắc cho đời.


  • 14/03/2018 06:28
  • Nguồn: EVNCPC
  • 2212