Những "phóng viên tay ngang" ngành Điện: Nhiệt huyết, đam mê và âm thầm đóng góp…

Đôi bàn tay chai sần vốn chỉ quen với kìm, búa, tô vít,… hẳn sẽ có nhiều khó khăn khi chuyển sang chụp ảnh, viết lách. Nhưng bằng tình yêu, nhiệt huyết và đam mê, họ đã vượt qua rất nhiều thử thách để truyền tải những thông điệp của ngành Điện đến với độc giả một cách gần gũi, dễ hiểu nhất. Họ đang âm thầm đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh của ngành Điện trong lòng nhân dân…

Anh Hoa Việt Cường (trái) trong một lần tác nghiệp

“Cháy hết mình”

Nhiều tờ báo, những phóng viên theo dõi ngành Điện và độc giả đã không còn xa lạ gì với cái tên Hoa Việt Cường (hiện công tác tại Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội). Những tin bài, những bức ảnh chân thực do anh thực hiện về người thợ điện – khi trắng đêm khắc phục sự cố do mưa bão hay lúc căng mình trong "chảo lửa" trưa hè,... - đã giúp người dân hiểu hơn về những vất vả của người làm Điện.

Từng có thời gian dài làm nghề xây lắp, năm 2006, anh Cường chuyển sang lĩnh vực truyền thông, tuyên truyền. Thời gian đầu, anh thực sự cảm thấy khó khăn và bỡ ngỡ khi không biết phải bắt đầu từ đâu, khai thác thông tin gì, chụp ảnh ra sao, kỹ năng viết tin, bài thế nào? Nhưng được đồng nghiệp và các phóng viên theo dõi ngành tận tình chỉ bảo, cộng thêm việc tìm tòi, đọc tài liệu, sách báo, dần dần anh biết cách khai thác thông tin, chụp ảnh. Có thế mạnh về chuyên môn ngành Điện, những thông tin anh cung cấp đến độc giả, khách hàng vừa gần gũi, dễ hiểu và có tính chính xác cao.

Chia sẻ với chuyên mục Văn hóa EVN, anh Cường tâm sự, một trong những kỉ niệm sâu sắc nhất đối với anh là đợt tác nghiệp trong trận siêu giông ngày 13/6/2015. “Khi đó, Hà Nội mất điện trên diện rộng. Tôi phải dùng điện thoại di động để soạn thảo thông cáo báo chí gửi cho các cấp trên duyệt để có thông tin chuyển tới các tòa soạn. Sau đó lập tức lao ra đường để chụp lại những hình ảnh anh em công nhân khẩn trương khắc phục sự cố trong mưa bão."

Trong lúc tác nghiệp, anh Cường “nhận lệnh” đưa phóng viên các báo xuống hiện trường đưa tin. Anh vội vàng đưa vợ về nhà, mua tạm bánh mì cho các con rồi hai vợ chồng “ai vào việc nấy” (vợ anh cũng công tác trong ngành - PV).

Miệt mài làm phóng sự, đưa tin về tinh thần khắc phục của anh em thợ điện, anh Cường quên mất là cả ngày vẫn chưa kịp ăn gì. Tới khi được 1 đồng nghiệp chia đôi cái bánh mì, anh mới cảm thấy bụng đói cồn cào. Bù lại, những bức ảnh và thông tin anh cung cấp được rất nhiều cơ quan báo chí sử dụng. Ghi nhận thành tích và tinh thần làm việc đầy tinh thần trách nhiệm của anh, Tổng công ty trao tặng giấy khen cho anh đúng ngày sinh nhật 24/6. “Cứ cống hiến hết mình, cháy hết mình bằng đam mê của mình, thì niềm vui sẽ đến” - đó là tâm niệm của anh Cường.

Nữ phóng viên ngành Điện: vất vả không thua kém công nhân

Chị Lê Thị Ngân Quyên nhận công tác tại EVNHANOI từ tháng 10/2017. Chị được phân công viết tin, bài về công tác sản xuất kinh doanh, chăm sóc khách hàng, văn hóa doanh nghiệp của Tổng công ty.

Quyên còn nhớ, tác phẩm đầu tay của mình viết về một người phụ nữ ngành Điện. Trước đây, trong suy nghĩ của Quyên, công việc của người thợ điện vô cùng nặng nhọc vốn chỉ dành cho nam giới, vậy mà, cô công nhân ấy không những làm được mà còn làm tốt, với những thành tích rất “đáng nể”. Thế nên, dù công việc có khó khăn đến đâu, chỉ cần nghĩ tới cô “nhân vật” ấy, Quyên lại có động lực để tiếp tục.

Quyên cũng phải ra lưới với anh em công nhân để có thông tin và những bức ảnh chân thực nhất về người thợ điện khẩn trương khắc phục sự cố, cấp điện cho nhân dân trong thời gian sớm nhất. Cùng đội nắng, đội mưa, chứng kiến sự khó khăn và nỗ lực của anh em, Quyên càng thêm nghị lực, gắn bó với nghề, với công việc mình đang làm.

Mục tiêu của Quyên là có những tác phẩm báo chí thiết thực nhất về ngành. Và để “làm mềm” bài viết của mình, Quyên luôn cố gắng tránh những từ ngữ/thuật ngữ quá chuyên ngành, hoặc tìm cách diễn đạt theo cách dễ hiểu nhất cho bạn đọc. “Đó là một điều khó, nhưng tôi sẽ cố gắng học hỏi đồng nghiệp đi trước và tự rèn luyện”, Quyên cho biết.

Trò chuyện với các "phóng viên tay ngang" của ngành Điện, mới thấy hết nỗi vất vả, khó khăn và nhiệt huyết cũng như tình yêu nghề của họ. Với các anh chị, hạnh phúc chính là truyền tải được những tác phẩm gần gũi, chân thực về ngành Điện đến với khách hàng, để khách hàng thêm hiểu và chia sẻ với ngành. Những tác phẩm của họ không chỉ được đăng tải trên các ấn phẩm của Tổng công ty mà còn được đăng trên nhiều báo, tạp chí khác như: Tạp chí Điện lực, Tạp chí Công thương, Báo vnexpress, Tạp chí Công đoàn Điện lực Việt Nam… Từ các tác phẩm ấy, họ đã và đang góp phần đưa thông tin về ngành Điện tới gần hơn với công chúng.


  • 12/06/2018 06:13
  • Khánh Vân
  • 3022