Người thợ điện của buôn làng

Nhiều năm gắn bó với Đội Quản lý (ĐQL) vận hành lưới điện Khánh Sơn (Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa), Nguyễn Tự Bình đã cùng ĐQL khắc phục hàng trăm sự cố điện, đảm bảo điện sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân thuộc nhiều thôn, buôn vùng miền núi huyện Khánh Sơn. Anh được người dân Khánh Sơn, anh em trong ĐQL gọi với cái tên trìu mến “người thợ điện của buôn làng”. 

Anh Nguyễn Tự Bình làm việc tại ĐQL vận hành lưới điện Khánh Sơn và bén duyên, lập gia đình, gắn bó với vùng đất này. Yêu vùng quê này như máu thịt nên anh Bình thuộc từng con đường dẫn vào các xóm nhỏ nơi đây. Khi có ai đó hỏi anh về thiết bị điện trên địa bàn anh đều chỉ dẫn một cách nhiệt tình, chi tiết, chính xác vị trí của từng công tơ điện, trạm điện, trụ điện tại từng thôn, buôn.

ĐQL vận hành lưới điện Khánh Sơn cách TP. Nha Trang hơn 90 km về phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa. Huyện miền núi Khánh Sơn là địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Tuy vậy, Khánh Sơn lại được biết đến là điểm sáng về vùng đất mang đậm nét văn hóa bản sắc dân tộc của Raglay, miền đất này còn được ví là Đà Lạt thứ hai bởi khí hậu mát mẻ, thay đổi “bốn mùa trong một ngày”.

Anh Nguyễn Tự Bình (áo cam) trên đường đi kiểm tra lưới điện Khánh Sơn

Bên cạnh nét nổi bật về văn hóa, khí hậu thì công tác quản lý điện nơi đây là vô cùng vất vả. Để đưa lưới điện đến người dân đã khó, công tác quản lý vận hành điện tại các thôn, buôn lại còn khó hơn gấp bội phần.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tự Bình cho biết: “ĐQL vận hành lưới điện Khánh Sơn hiện quản lý 71 trạm biến áp công cộng với hơn 5.972 khách hàng; trong đó, số khách hàng mua điện 1 pha là 5.739 và 160 khách hàng sử dụng điện 3 pha. Công tác quản lý điện tại đây vô cùng vất vả, không yêu nghề, không hết mình vì công việc thì dễ nảy sinh tâm lý chán nản và hiệu quả công việc sẽ không cao”.

“Môi trường làm việc áp lực, nhiều vất vả và hiểm nguy rình rập, có khi tôi phải lặn lội cả đêm đến các hộ dân vùng sâu để lắp cho họ cái bóng đèn, thay cái cầu chì bị cháy. Những tưởng là đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ điện không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn phải thông thạo đường đi và phải có trái tim biết cảm thông, sẻ chia với mọi người”, anh Bình cho biết.

“Cuối tháng 11/2017, cơn bão số 12 tràn qua Khánh Sơn gây thiệt hại lớn về tài sản, vật nuôi của nhiều hộ dân. Cơn bão cũng khiến ngành Điện thiệt hại nặng nề, nhiều trụ điện bị gãy, hệ thống lưới điện bị gián đoạn, nhiều thiết bị điện bị hư hại nặng nề. Tôi cùng ĐQL ngày đêm căng sức khắc phục, có khi quên cả bữa ăn trưa”, anh Bình tâm sự.

Anh Bình là một trong số 7 anh em công nhân lành nghề tại ĐQL. Khác với thợ điện vùng đồng bằng, người thợ điện của vùng núi đặc biệt hơn khi làm tất mọi việc liên quan, kể cả kinh doanh và thao tác trên lưới điện hạ áp hay trung áp.

Do vậy, trong công việc anh Nguyễn Tự Bình có thể “đóng nhiều vai” trong một “kịch bản công việc”. Anh có thể là giao dịch viên tư vấn cho khách hàng về thủ tục lắp mới công tơ điện; khi là người công nhân leo trụ lắp đặt điện kế kể cả lắp mới hay thay định kỳ. Anh cũng có thể là người sửa điện khi khách hàng báo mất điện; là người xử lý khắc phục khi lưới điện gặp sự cố; là người giải quyết các khiếu nại khi khách hàng có thắc mắc, thậm chí anh còn là tuyên truyền viên về các ứng dụng, dịch vụ mới với nhiều tiện ích của PC Khánh Hòa đang triển khai cho khách hàng sử dụng điện.

Vốn không phải là người dân tộc Raglay nhưng anh Bình lại được bà con Raglay coi như con em của họ. “Anh Tèo” là cái tên mà anh em người Raglay đặt cho anh. Bà con nơi đây xem anh như người thân trong nhà và cảm nhận “Cái bụng Tèo thật như nước suối buôn làng”.


  • 11/09/2018 05:44
  • Nguồn: baovanhoa.vn
  • 1772