Ông Hà Thanh Long – Phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế: Say nghề - nhiều sáng kiến

Những năm qua, tại Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, phong trào thi đua sản xuất, phát huy sáng kiến diễn ra rất sôi nổi. Từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, trong đó phải kể đến Phó giám đốc Công ty - ông Hà Thanh Long.

Ông Hà Thanh Long

Luôn trăn trở…

Nhiều năm qua, Phó giám đốc Hà Thanh Long đã cùng tập thể lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đưa ra mục tiêu xuyên suốt cho mọi hoạt động của đơn vị: Phấn đấu cung cấp điện liên tục, ổn định, các dịch vụ viễn thông chất lượng cao và dịch vụ khách hàng ngày càng hoàn hảo. Đồng thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị.

Để thực hiện được mục tiêu đó, tập thể cán bộ, kỹ sư và công nhân của Công ty luôn phải năng động, sáng tạo, đổi mới và thực sự hết mình trong lao động, sản xuất. Vai trò của lãnh đạo đơn vị phải thể hiện bằng việc nêu gương, đầu tầu trong mọi nhiệm vụ. Với cương vị Phó giám đốc, ông Hà Thanh Long không chỉ làm tốt vai trò định hướng, mà còn là người tham gia tích cực, đi đầu trong các hoạt động, đặc biệt là trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Những năm qua, các sáng kiến của ông đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại hiệu quả cao, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng.

Là một cán bộ trưởng thành từ thực tiễn quản lý kỹ thuật, lại có “máu nghề”, nên những năm qua, ông luôn trăn trở với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý vận hành lưới điện. Nắm chắc những diễn biến phức tạp và đặc thù của khí hậu miền Trung như có biên độ nhiệt độ và độ ẩm thay đổi lớn trong thời gian ngắn với tần suất và biên độ sét cao; đồng thời qua theo dõi tình hình sự cố lưới điện trên địa bàn, số lần sự cố do giông sét chiếm tỷ lệ rất lớn. Để lưới điện vận hành an toàn cần phải có hệ thống chống sét làm việc tin cậy. Vấn đề đặt ra là cần phải khắc phục được khó khăn của trị số điện trở nối đất. Đặc điểm lưới điện trải rộng từ vùng có địa hình đồi núi đến vùng đầm phá ven biển với địa chất khác nhau (sỏi đá khô cằn, cát gần như tinh khiết), có rất nhiều vị trí trạm và đường dây sau một thời gian vận hành trị số tiếp đất không đạt. Đơn vị đã đưa ra phương án và lập dự toán bổ sung bằng cách xử lý hoá chất (Bột GEM) nhưng kinh phí quá cao: Trên 50 triệu đồng/vị trí cột đường dây, 130 triệu đồng/trạm biến áp trung gian.

Để giải “bài toán” khó này, ông Long đã dày công thực hiện đề tài “Nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục trị số điện trở nối đất cho lưới điện”. Theo đó, đơn vị sẽ sử dụng tiếp địa “Điện cực ống R-O-1” cho các khu vực có địa chất sỏi đá khô cằn và sử dụng tiếp địa “Điện cực ống R-O-2” cho các khu vực cát gần như tinh khiết. Tại các khu vực thị trấn, thành phố không có mặt bằng để thi công, sử dụng “Tiếp địa Giếng R-G” bằng phương pháp sử dụng cọc tia phối hợp. Tại các vị trí này, ông và các đồng sự đã đưa ra giải pháp khoan các giếng có độ sâu từ 4-8m để lắp đặt tiếp địa. Lời giải hoàn toàn khả thi này đã giúp làm lợi cho Nhà nước khoảng 1,14 tỷ đồng.

Và không tự hài lòng

Không bao giờ tự hài lòng với những kết quả đã đạt được, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ông Long luôn trăn trở, nghiên cứu đưa ra nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao trong đơn vị.  Một trong những sáng kiến nhằm khai thác hiệu quả hơn vật tư thiết bị hiện có tiêu biểu của ông là: Hoán chuyển các thiết bị của cùng một chủng loại về một đơn vị; nâng cao cách điện của thiết bị; sử dụng các vật tư thiết bị có trong nước thay thế cho các vật tư nhập khẩu. Giá trị làm lợi của các sáng kiến này đạt trên 150 triệu đồng. Đặc biệt, sáng kiến tận dụng một số đường dây cũ (3,5 km ĐZ 35 kV), cải tạo sửa chữa đưa vào vận hành ở cấp 22 kV nhằm tăng khả năng cung cấp điện cho thành phố Huế đã làm lợi tới 1,5 tỷ đồng

Chưa dừng lại ở đó, ông Long còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý kỹ thuật. Minh chứng rõ nhất là việc ông đã đưa ra giải pháp “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý kỹ thuật lưới điện tỉnh Thừa Thiên-Huế”. Giải pháp này mở ra khả năng tự động hóa lưới điện, liên kết chương trình quản lý kinh doanh đến hộ tiêu thụ và chia sẻ thông tin phục vụ khách hàng trên website thông tin của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Long cho rằng: Để có được kết quả trong nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn SXKD như thời gian qua, đó là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, khuyến khích, động viên và hỗ trợ của lãnh đạo và anh em đồng nghiệp. Bản thân mỗi người cán bộ, công nhân kỹ thuật phải luôn học hỏi, quan tâm đúng mức công nghệ mới và cập nhật thông tin để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, phải yêu nghề, say mê công việc, có trách nhiệm cao trong công tác và luôn có ý thức vươn lên. Hơn nữa, cần thắt chặt sự đoàn kết, từ đó phát huy trí tuệ tập thể mà trong đó, mỗi cá nhân chính là một nhân tố tích cực tạo nên sức mạnh chung.


  • 25/08/2010 09:23
  • TCĐL (tháng 8/2010)
  • 3352