Phía sau hành trình “điện đi trước một bước”

Với những đóng góp quan trọng cho đất nước trong hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, có thể khẳng định, ngành Điện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử “điện đi trước một bước”. Và phía sau những thành tích ấy, có biết bao câu chuyện ít người biết đến. BBT chia sẻ với Quý độc giả một vài câu chuyện xung quanh 2 công trình tiêu biểu được ngành Điện xây dựng trong thời chiến và thời bình.

7 năm xây dựng nhà máy thủy điện lớn đầu tiên của miền Bắc 

Dự án thủy điện lớn đầu tiên của miền Bắc là Nhà máy Thủy điện Thác Bà được khởi công xây dựng năm 1964. Đây là công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng theo chủ trương “điện đi trước 1 bước” được đề ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Trong hồi ức của những người đã gắn bó với quá trình xây dựng nhà máy, có lẽ sẽ không thể nào quên những vất vả, khó nhọc và cả khí thế thi đua lao động sôi nổi trên công trường ngày ấy. Bởi ngay từ khi khởi công xây dựng, Nhà máy Thủy điện Thác Bà đã là một trong những mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ. 

Theo hồi tưởng của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng Lượng, ngày ấy là Trưởng phòng kỹ thuật trên công trường xây dựng nhà máy: “Những năm đầu xây dựng Thủy điện Thác Bà, công trường chính là chiến trường. Có lần địch ném bom vào công trường, làm chết 37 cán bộ, công nhân, xác đồng nghiệp nằm la liệt trên đất. Đau xót lắm nhưng vẫn phải chắc tay súng. Ngày ấy, tôi được giao một khẩu súng, được huấn luyện như một chiến sỹ thực thụ. Hệ thống giao thông hào kéo sát đến bàn làm việc nên mỗi khi có báo động, tôi cùng anh em cầm súng sẵn sàng chiến đấu”.

Công trường ác liệt là điều không thể tránh khỏi, nhưng khó khăn, thách thức hơn cả chính là việc phải xây dựng công trình trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị trầm trọng, công đoạn nào cũng chỉ dựa vào sức người là chính. AHLĐ Thái Phụng Nê tâm sự: “Khi xây dựng đập Thủy điện Thác Bà, muốn đạt được thiết kế đập đất đúng yêu cầu, đảm bảo dung trọng để đầm thì độ ẩm của đất phải giảm. Thiếu thốn máy móc, trang thiết bị, lại trong thời gian chiến tranh, đất nước còn nghèo khó, những công nhân ngành Điện phải rải đất lên trên một tấm tôn, phía dưới dùng tre nứa đốt, sấy cho đất bay hơi, làm đất khô đảm bảo đem ra để đầm, vất vả vô cùng”. 

Theo cách làm thủ công này, khi phần nào “an tâm” máy bay Mỹ đã ngừng ném bom, những người công nhân lại hì hụi khuân vác tre, nứa tập trung tại một góc để tiến hành sấy đất. “Việc sấy đất phải tranh thủ làm vào ban đêm, nên anh em thường chia ca thực hiện, tốp này làm thì tốp khác tranh thủ nghỉ lấy sức, bốn tiếng thay ca một lần. Dù vậy, gần như anh em không mấy người chợp được mắt một phần vì lo lắng máy bay Mỹ tấn công bất ngờ, một phần chỉ mong đất sấy ra đủ điều kiện để sáng mai tiếp tục đắp đập” – AHLĐ Thái Phụng Nê chia sẻ.   

“Đứa con đầu lòng” của ngành Thuỷ điện Việt Nam được sinh ra từ mặn mòi của mồ hôi người thợ điện và phải mất đến 7 năm xây dựng mới chính thức phát điện tổ máy số 1. 

Đường dây 500 kV - kỳ tích từ “sức mạnh toàn dân”

Nếu như công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng trong sự khốc liệt của thời chiến, với biết bao nỗ lực, hy sinh từ người thợ điện Việt Nam thì đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam đưa vào vận hành năm 1994, chỉ sau 2 năm vừa thiết kế vừa xây dựng lại cho thấy sức mạnh toàn dân và sự nỗ lực vượt bậc của Việt Nam..

730 ngày đêm cho 1.487 km đường dây tải điện siêu cao áp Bắc - Nam mạch 1, “dàn hàng ngang mà đánh”, toàn bộ "binh hùng tướng mạnh" của ngành Năng lượng hồi ấy đều được huy động cho một đại công trường trải dọc chiều dài đất nước, băng qua dãy Trường Sơn trùng điệp và vượt tới bảy con sông dài.

“Theo phương án của nhiều nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài, để thi công các tuyến đường dây băng sông, vượt núi theo đúng tiến độ, Bộ Năng lượng cho mua một bộ thiết bị kéo dây của Nhật Bản khoảng 10 triệu USD. Do thiết bị này rất đắt, mà phải cần tới hàng chục bộ nên Bộ Năng lượng giao 4 công ty xây lắp “copy” bộ thiết bị mẫu ra hàng loạt thiết bị tương tự, với chất lượng tốt, đảm bảo phục vụ công tác thi công kéo dây” - ông Vũ Ngọc Hải, Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, người đã có nhiều đêm thức trắng trong suốt quá trình xây dựng đường dây tâm sự.

Thế nhưng, vẫn có những nơi bộ thiết bị này cũng phải “chào thua” như khi thi công đoạn đường dây vượt sông Gianh. Ông Hải chia sẻ: “Sông Gianh có mặt sông rộng, lòng sông sâu, lượng nước chảy xiết, muốn đưa được dây điện sang bờ sông bên kia nhanh nhất, đúng tiến độ đề ra thì phải dùng tới trực thăng chứ máy kéo dây của Nhật cũng không thể kéo xa đến vậy. Nhưng doanh nghiệp xây lắp trong nước lấy đâu ra trực thăng? Thuê của quân đội thì cũng khó, chưa kể tiền đâu mà trả? Để đảm bảo tiến độ cũng như tiết kiệm chi phí cho đất nước, một “chiến dịch sức người” được huy động”.

Một sáng mùa thu năm 1993, đại công trường mang sức mạnh toàn dân hiện hữu ngay trên mặt sông Gianh. Ông Vũ Ngọc Hải hồi tưởng, khi ấy, hàng trăm chiếc thuyền đậu sát nhau trên bờ sông, khí thế lao động vô cùng sôi nổi. Từ công nhân, kỹ sư đến bà con công giáo sinh sống xung quanh bờ sông Gianh không ai bảo ai, mỗi người khi lên thuyền đều cắp theo 2 mái chèo, lần lượt đưa thuyền tới vị trí được phân công. Tay nghề của những ngư dân Quảng Bình hôm ấy lần đầu được phát huy hết công suất: Họ dựng lên hệ thống thuyền, cột, dây… hoàn thiện chiếc cầu “xây vội” bằng thuyền nan đầu tiên trong lịch sử. Chỉ sau nửa ngày lao động cật lực, chiếc cầu chở nặng ân tình của bà con công giáo nối 2 bờ sông Gianh đã được hoàn thiện, thẳng băng và chắc chắn.

Vượt qua khó khăn này, thì những khó khăn khác lại tới. Những chuỗi ngày xây dựng đường dây ấy, Bộ trưởng Bộ Năng lượng hầu như không có một giấc ngủ yên, có khi do công việc dang dở khiến ông phải suy nghĩ, cũng có khi do tâm trạng mong mỏi từng ngày về công trình mà ông đã góp sức khởi đầu, hay chỉ vì lo lắng cho bữa ăn đủ chất để người công nhân làm việc tại vùng khí hậu khắc nghiệt đủ sức làm việc, xây dựng công trình… Niềm vui chỉ thực sự vỡ òa khi sau hai năm, "suối điện" từ miền Bắc đã ào ạt tuôn chảy vào các công trường, nhà máy, miền quê, đô thị, các khu công nghiệp miền Trung, miền Nam đất nước.

Có thể nói, mỗi công trình mà ngành Điện đi qua đều có những câu chuyện riêng, kỳ tích riêng. Dù là những ngày mưa như trút, những cái nắng cháy da, cháy thịt, hay chinh phục những đỉnh núi cao chót vót, lởm chởm đá nhọn và cả những nơi chưa có dấu chân người, gian nan vất vả có lẽ không thể nói hết bằng lời. Chỉ biết rằng, để sứ mệnh “điện đi trước một bước” được hiện thực hóa từng ngày, từng giờ, bao thế hệ người làm điện đã làm việc bằng tinh thần và ý chí sắt đá, cùng quyết tâm cao như dãy Trường Sơn hùng vĩ. 


  • 14/03/2017 10:17
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1452