Nhạc sỹ Ngọc Thịnh
|
Hồi ức đẹp về Nhà máy điện Vinh
Tôi hẹn gặp nhạc sĩ Ngọc Thịnh trong một quán cafe gần Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Mới nói đến chữ “ngành Điện”, nhạc sỹ như sôi nổi, náo nức hẳn lên. Có lẽ ký ức về một thời trai trẻ hào hùng ùa về trong ông.
“Ngay sau khi đất nước thống nhất, tôi được tuyển vào làm công nhân vận hành ở Nhà máy điện Vinh. Tuổi trẻ được tiếp xúc với “điện khí hóa”, háo hức và phấn khích lắm!”. Mở đầu câu chuyện, nhạc sĩ Ngọc Thịnh đã cho biết như vậy.
Những hình ảnh về Nhà máy điện Vinh vào những năm 1970, đến bây giờ vẫn còn in đậm trong trái tim của người nhạc sĩ quê Hà Tĩnh. Lớp học vận hành ở Nhà máy điện Vinh thời đó có nhiều độ tuổi, đến từ nhiều miền quê của Nghệ Tĩnh (cũ). Nhiều người là bộ đội phục viên, hoặc chuyển từ cơ quan khác sang ngành Điện, tuổi đời của họ đã gần 30. Lứa trẻ như Ngọc Thịnh, phần lớn đều mới tốt nghiệp THPT.
“Thời ấy, phong trào văn nghệ thể thao của Nhà máy được lãnh đạo Nhà máy cũng như Công đoàn rất quan tâm. Tôi vẫn nhớ anh Công Thảo đánh đàn accordion, Dũng “còi” chơi bộ gõ, Nam “xoăn” chơi guitar, anh Nam và cô Hiền là hai giọng ca có tiếng của Nhà máy”, nhạc sĩ Ngọc Thịnh nhắc đến những người bạn với với niềm tự hào vô bờ bến.
Sau hai năm vừa học vừa làm tại Nhà máy điện Vinh, năm 1977, anh được chuyển về Nhà máy điện Rú Trò, đóng tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). 20 tuổi đã chính thức trở thành công nhân ngành Điện, với Ngọc Thịnh, đó là một vinh dự lớn lao trong cuộc đời. Chàng trai cao lớn và vui tính, đã sớm bắt nhịp với công việc vận hành 9 cụm máy diezen tại Nhà máy Rú Trò. Hăng hái làm việc và say mê đàn hát, thể thao, tuổi trẻ của Ngọc Thịnh dường như đã đã trở thành bản “hòa âm” đầy tình nghĩa với những con người của Nhà máy điện Vinh và Nhà máy điện Rú Trò.
“Cách vận hành điện ngày xưa rất…thô sơ. Tôi ở phòng vận hành điện cách một bức tường bằng kính nhìn sang được tổ vận hành máy. Chúng tôi hay dùng tay thông tin cho nhau biết việc tăng, giảm vòng quay để ráp tần số điện lưới với tần số máy phát. Mỗi khi hòa lưới điện thành công, anh em sung sướng vô cùng”, nhạc sỹ nhớ lại.
Ngày 16/9/1978, anh công nhân ngành Điện lên đường nhập ngũ. Đó là một ngày đất trời Nghệ Tĩnh mưa sụt sùi, sông La nước dâng cao đến mức báo động… Chuyến đò đưa anh qua sông như cũng dâng đầy cảm xúc.
“Cú sốc” tạo ra… tác phẩm
Sau khi nhập ngũ, anh Thịnh vừa học lái xe, vừa học nhạc, sau đó chuyển về Trung đoàn Trinh sát Thiết giáp 406 ở biên giới Hoàng Liên Sơn. Năm 1980, Ngọc Thịnh sáng tác ca khúc đầu tiên. Riêng ca khúc “Câu đợi câu chờ” ra đời trong một bối cảnh khá đặc biệt. Sau khi ra quân, trở về làm việc ở một Trung tâm văn hóa tại địa phương, nhạc sĩ Ngọc Thịnh được mời tham dự một trại sáng tác âm nhạc. Ông gửi Ban Tổ chức một tác phẩm tâm huyết nhưng không đạt yêu cầu với lí do: Phần âm nhạc về giai điệu được phát triển từ dân ca ví giặm khá hay, tuy nhiên phần lời thì không liên quan gì đến địa danh Nghệ Tĩnh.
Từ nhận xét của Hội đồng Nghệ thuật, nhạc sỹ Ngọc Thịnh đã phải suy nghĩ rất nhiều. Một cảm giác chông chênh về công việc sáng tác cứ bám riết lấy ông: “Hóa ra, dịp này, mình vẫn chưa có gì để trả nghĩa cho quê hương ?”
Miên man nghĩ, chân bước đi lững thững như người mộng du từ tầng 3 xuống tầng 1, bỗng những cảm xúc đẹp từ xa xưa bất chợt đã trở về trong tâm hồn nhạc sĩ: “Ngày ấy bên bờ sông La, anh nghe câu hò ví giặm, để một đời anh đi xa, để ngàn lần anh nhớ mãi...”. 24 con chữ ấy như một cơn gió lành, dắt nhạc sĩ tiếp tục trở về với ký ức xa xăm. Ông lấy bút viết vội lên tờ bìa cuốn sách đã cũ nát. Hơn 30 phút sau, “Câu đợi câu chờ” ra đời.
“Ký ức như một thứ trầm tích, vào thời điểm nào đó, nó mới hiện ra một cách chân thật. Tôi luôn biết ơn những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời này, nó là cánh cửa luôn dành cho ai không ngại gian khó, quyết tâm bước qua. Tôi nghĩ, không có những năm tháng ở Nhà máy điện Vinh rất đỗi tự hào; không có thanh xuân tràn đầy sức sống, lao động hăng say giữa tập thể CBCNV Nhà máy thì không có ca khúc Câu đợi câu chờ”, nhạc sĩ Ngọc Thịnh chậm rãi chia sẻ.